DMagazine

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc

(Dân trí) - Nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện giờ không màng tiết kiệm tiền "phòng xa" hay chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn, họ dồn tất cả tiền đi tìm niềm vui chóng vánh trong những món đồ hiệu xa xỉ.

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc

Nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện giờ không màng tiết kiệm tiền "phòng xa" hay chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn, họ dồn tất cả tiền đi tìm niềm vui chóng vánh trong những món đồ hiệu xa xỉ.

Không tiết kiệm "phòng thân", chi hết tiền để mua hàng hiệu

Nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện giờ không màng để tâm tới việc tiết kiệm tiền "phòng xa" hay chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn, họ tìm niềm vui chóng vánh trong những món đồ hàng hiệu xa xỉ, chỉ cần bản thân có thể trưng trổ trên mạng xã hội và ngoài đời thực.

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 1
Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 2

Thời gian qua, showbiz Hàn chứng kiến vụ scandal xoay quanh Song Ji-a, một "hot girl" nổi tiếng từ show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò (Ảnh: SCMP).

Thời gian qua, showbiz Hàn chứng kiến vụ scandal xoay quanh Song Ji-a, một "hot girl" nổi tiếng từ show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò. Song Ji-a vốn được biết tới trên mạng là một cô gái xinh đẹp, giàu có, sử dụng vô số hàng hiệu khiến cộng đồng mạng Hàn Quốc rất ngưỡng mộ về phong cách sống xa hoa, sang chảnh.

Nhưng khi bị lộ rằng bản thân sử dụng hàng nhái, hình ảnh mà Song Ji-a kỳ công xây dựng hoàn toàn sụp đổ chỉ trong nháy mắt.

Các tờ tin tức tại Hàn Quốc và nhiều tờ tin tức quốc tế đều đề cập tới sự vụ này, bởi thực tế, sự việc không chỉ là câu chuyện của riêng một ngôi sao bị sụp đổ hình tượng, đằng sau đó, người ta còn nhìn thấy nhiều câu chuyện lớn lao hơn, phản ánh tư duy, lối sống của một bộ phận giới trẻ tại Hàn Quốc hiện nay.

Các chuyên gia bình luận vấn đề xã hội đều lên tiếng cho rằng Song Ji-a thực tế không phải là trường hợp duy nhất. Việc cô gian dối về mức độ giàu có, sang chảnh của bản thân có một phần trách nhiệm của chính cộng đồng fan thần tượng Song Ji-a.

Chính các fan hâm mộ lối sống xa hoa, sang chảnh của Song Ji-a đã thúc đẩy cô gái trẻ này phải không ngừng trưng trổ ấn tượng hơn nữa, phải đăng tải nhiều món đồ xa xỉ hơn nữa để thỏa mãn nhu cầu theo dõi của cộng đồng fan.

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 3
Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 4

Song Ji-a nổi tiếng và trở nên tai tiếng một cách quá chóng vánh, cô vừa được biết tới rộng rãi sau khi tham gia show hẹn hò "Single's Inferno" (Địa ngục độc thân) thì liền vướng vào lùm xùm (Ảnh: SCMP).

Song Ji-a nổi tiếng và trở nên tai tiếng một cách quá chóng vánh, cô vừa được biết tới rộng rãi sau khi tham gia show hẹn hò "Single's Inferno" (Địa ngục độc thân) thì liền vướng vào lùm xùm dùng hàng nhái, bị phát hiện gian dối về mức độ giàu có, sang chảnh của bản thân.

Với vô số những món đồ hàng hiệu trưng trổ trong các đăng tải trên mạng xã hội, cũng như khi xuất hiện trong show thực tế, cô gái 25 tuổi này là một biểu tượng của những ham muốn vật chất mà thế hệ trẻ Hàn Quốc đang mưu cầu. Câu chuyện của Song Ji-a được xem là một lời cảnh báo đối với những người trẻ chạy theo lối sống tôn thờ vật chất, thích trưng trổ của giới trẻ Hàn Quốc hiện nay.

Trước khi trở nên nổi tiếng tại Hàn Quốc và được biết tới ở nhiều quốc gia khác từ show hẹn hò "Single's Inferno", Song Ji-a đã là một ngôi sao mạng xã hội tại Hàn Quốc từ năm 2019. Cô gây chú ý bởi diện mạo xinh đẹp, cá tính ấn tượng, phong cách xa hoa. Song Ji-a dùng toàn những món đồ hiệu đắt giá.

Khi Song Ji-a bị phát hiện dùng nhiều món hàng nhái khi xuất hiện trong show "Single's Inferno" cũng như trong nhiều hoạt động khác với tư cách một ngôi sao phong cách, cộng đồng fan của Song Ji-a cảm thấy bị sốc, bị lừa dối...

Trailer giới thiệu show hẹn hò "Single's Inferno" (Video: YouTube).

Cơn cuồng hàng hiệu, lối sống tôn thờ vật chất xuất phát từ ẩn ức tâm lý

Giới chuyên gia tại Hàn Quốc đã nhìn nhận sự việc của Song Ji-a như một câu chuyện đáng chú ý phản ánh lối sống của một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc hiện nay.

Đó chính là sự ám ảnh về vật chất trong giới trẻ khiến mạng xã hội nước này xuất hiện một nhóm ngôi sao phong cách chuyên trưng trổ mức độ giàu có, xa hoa của bản nhân. Nhưng hiện tượng này đang bộc lộ rõ ràng những sự lệch lạc, không lành mạnh trong lối sống của một bộ phận người trẻ tại Hàn Quốc.

Theo các công ty phân tích thị trường, các thương hiệu xa xỉ phẩm trên toàn cầu đã bị sụt giảm doanh số khá mạnh trong năm 2020, nhưng riêng tại thị trường Hàn Quốc, mức độ tiêu thụ hàng xa xỉ vẫn duy trì ở mức ổn định. Thực tế, Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 5
Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 6

Nhu cầu và mức độ chịu chi của giới trẻ nước này cho các mặt hàng xa xỉ tăng mạnh trong những năm gần đây (Ảnh: SCMP).

Độ chịu chi khi mua hàng xa xỉ của người Hàn Quốc còn vượt qua cả những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Phân tích thị trường Hàn Quốc, người ta nhận thấy nhu cầu và mức độ chịu chi của giới trẻ nước này cho các mặt hàng xa xỉ tăng mạnh trong những năm gần đây.

Trước đây, đối tượng mua hàng xa xỉ tại hàn Quốc chủ yếu là những khách hàng trung niên đã có tích lũy. Nhưng các phân tích số liệu cho thấy hơn một nửa số hàng xa xỉ bán ra tại Hàn Quốc trong năm 2020 được mua bởi những thanh niên ở tuổi ngoài 20, ngoài 30.

Ông Joo Eun-woo, giáo sư chuyên ngành xã hội học tại Đại học Chung-Ang ở Seoul, Hàn Quốc, nhận xét: "Trước đây, tại Hàn Quốc, hàng hiệu xa xỉ chủ yếu do người trung niên, người có tuổi mua. Họ là một nhóm khách hàng thượng lưu có địa vị xã hội và tiềm lực kinh tế.

Nhưng bây giờ, người mua hàng xa xỉ tại Hàn Quốc có rất nhiều thanh niên trẻ, dù những người này không có thu nhập cao, họ dồn tất cả tiền kiếm được để sở hữu các món hàng hiệu và không màng tới những kế hoạch dài hạn hay việc phải tiết kiệm phòng xa.

Những người trẻ này dường như không còn nhìn thấy ý nghĩa của việc tiết kiệm tiền, không ít người có suy nghĩ hàm chứa sự tiêu cực, họ cho rằng cho dù họ có tiết kiệm được bao nhiêu, thì vẫn có nhiều yếu tố rủi ro có thể xảy ra, nên hãy cứ tận hưởng hết mình cho khoảnh khắc hiện tại.

Thực tế, với cấu trúc xã hội hiện nay, rất khó để những người trẻ có thể bứt phá vượt lên và đạt tới một đẳng cấp vượt trội hơn hẳn so với nền tảng gia đình vốn có, nghĩa là cho dù họ có nỗ lực thế nào cũng khó lòng làm thay đổi hoàn toàn vị thế của bản thân xét cả về địa vị xã hội và tiềm lực kinh tế.

Vì vậy, họ dùng số tiền kiếm được để mua hàng hiệu và tạo dựng một hình ảnh, một phong cách sống đẳng cấp cho bản thân, nhiều khi vượt quá cả năng lực của mình. Đẳng cấp ấn tượng vốn là điều mà họ vẫn luôn khao khát nhưng thực sự khó đạt được. Những món đồ hàng hiệu giúp xoa dịu tâm lý của họ, làm thỏa mãn nhu cầu gây ấn tượng của một bộ phận giới trẻ.

Thực tế, để mua được một căn nhà như ý hay để thay đổi mạnh mẽ vị thế của bản thân trong xã hội hiện đại đang ngày càng trở thành một thách thức khó khăn đối với giới trẻ tại Hàn Quốc, thậm chí khó khăn hơn nhiều so với các thế hệ trước".

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 7

Nhiều người trẻ tại Hàn Quốc đang tìm kiếm niềm vui "mì ăn liền", niềm vui đến "ngay tức khắc" bằng cách mua các món hàng xa xỉ (Ảnh: SCMP).

Chính vì vậy, nhiều người trẻ tại Hàn Quốc đang tìm kiếm niềm vui "mì ăn liền", niềm vui đến "ngay tức khắc" bằng cách mua các món hàng xa xỉ, ngồi uống cà phê trong những quán đắt tiền nhất, để tận hưởng cảm giác thành công, giàu có, đẳng cấp... Dù thực sự, cuộc sống của họ không dư dả đến mức ấy.

"Chính trong những khoảnh khắc trưng trổ ấy, họ cảm thấy được hài lòng với bản thân sau những chật vật, không được như ý trong cuộc sống. Những khoảnh khắc hài lòng ấy ngắn ngủi thôi nhưng còn dễ dàng đạt tới hơn những kế hoạch dài hạn xa vời, mà có thể cả cuộc đời họ chỉ có thể mơ về", giáo sư Joo Eun-woo phân tích.

Tôn thờ vật chất, nghiện mạng xã hội: "Bắt bệnh" của giới trẻ

Ngôi sao mạng xã hội Song Ji-a chỉ là một trong nhiều ngôi sao mạng xã hội khác tại Hàn Quốc đang "đánh" vào tâm lý tôn thờ vật chất của một bộ phận giới trẻ tại Hàn Quốc, họ không ngừng trưng trổ những món hàng hiệu đắt giá trong các bức ảnh và clip đăng trên mạng để thu hút sự chú ý.

Từ đó, những người này tạo dựng được một cộng đồng fan theo dõi mình, sau đó, họ có thể tìm kiếm cơ hội công việc, cơ hội tạo ra thu nhập từ chính phong cách sống xa hoa thể hiện trên mạng, dù bản chất thực của cuộc sống ấy là gì thì nhiều khi, chỉ chính ngôi sao mới hiểu rõ nhất.

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 8

Trước đây, giới trẻ Hàn Quốc không ủng hộ những người thích khoe khoang, thích thể hiện sự giàu có của bản thân một cách ồn ào (Ảnh: SCMP).

Giáo sư tâm lý học Kwak Keum-joo làm việc tại trường Đại học Quốc gia Seoul chia sẻ: "Trước đây, giới trẻ Hàn Quốc không ủng hộ những người thích khoe khoang, thích thể hiện sự giàu có của bản thân một cách ồn ào, người ta gọi đó là khoe mẽ.

Nhưng giờ đây, giới trẻ Hàn Quốc đang hành xử ngược lại, họ cảm thấy ngưỡng mộ, thần tượng những người như vậy và cảm thấy thỏa mãn khi quan sát những ngôi sao theo đuổi phong cách sống xa xỉ, bởi nếu bản thân người hâm mộ không đủ sức theo đuổi phong cách ấy, thì họ có thể quan sát ngôi sao đang "thay mình" thực hiện ước mơ đó".

Giáo sư Kwak tin rằng vụ scandal dùng hàng nhái xảy ra với Song Ji-a là hệ lụy của lối sống tôn thờ vật chất và tâm lý nghiện mạng xã hội: "Mạng xã hội đang khiến nhiều người tìm mọi cách để thu hút sự chú ý. Ngay cả những người bình thường cũng thấy cần phải đăng tải những nội dung đặc biệt ấn tượng để chứng tỏ bản thân với những người khác.

Mọi người thường không còn là chính mình khi ở trên không gian mạng. Họ luôn nghĩ xem mình phải làm thế nào để thu hút sự chú ý và chạy theo những gì khiến cộng đồng của mình quan tâm. Trong câu chuyện của Song Ji-a, đó không phải lỗi của một mình cô ấy, mà có cả lỗi của những fan đã đẩy cô ấy tới việc phải không ngừng đăng tải những bức ảnh khoe phong cách sống xa hoa".

Cơn cuồng hàng hiệu, cuồng khoe sang chảnh của giới trẻ Hàn Quốc - 9

Chính trong những khoảnh khắc trưng trổ, nhiều người cảm thấy được hài lòng với bản thân sau những chật vật, không được như ý trong cuộc sống (Ảnh: SCMP).

Trước đây, chính Song Ji-a từng chia sẻ rằng với tư cách ngôi sao mạng xã hội, cô từng cảm thấy áp lực khi luôn phải nghĩ ra những nội dung mới mẻ cho các đăng tải của mình: "Tôi không dám mặc lại những bộ đồ mình đã mặc một lần để xuất hiện ở bên ngoài, hoặc đã từng chụp hình với bộ đồ đó và đăng tải lên mạng rồi".

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Song bị tố dùng hàng nhái, cô đang tạm dừng các hoạt động trong giới showbiz, vị thế của một ngôi sao phong cách đã bị ảnh hưởng nặng nề, nếu không muốn nói là sụp đổ.

Trong lời xin lỗi chính thức mà Song Ji-a đưa ra, cô nói: "Tôi thừa nhận việc mình đã sử dụng những món hàng nhái, tôi thừa nhận tất cả là lỗi của tôi. Thoạt tiên tôi mua những món đồ này bởi chúng đẹp. Khi tôi nhận được nhiều sự chú ý và yêu thích từ cộng đồng mạng, tôi không thể ngừng lại và tiếp tục lún sâu hơn. Tôi thực sự rất hối tiếc".

Sau khi đưa ra lời xin lỗi, Song Ji-a cho biết cô sẽ ngưng mọi việc lại trong một khoảng thời gian để tự nhìn lại bản thân. Cô đã xóa các nội dung từng đăng tải trên mạng bao gồm hàng ngàn bức ảnh trên Instagram và hàng loạt video trên YouTube.

Giáo sư Kwak nhận xét: "Toàn bộ câu chuyện xảy ra với Song Ji-a mới chỉ là một trong những biểu hiện của lối sống tôn thờ vật chất và việc nghiện sử dụng mạng xã hội. Để thực sự tiến về phía trước, chúng ta cần phải loại bỏ lối sống tôn thờ vật chất một cách thái quá và không cổ súy cho việc trưng trổ sự giàu có, đặc biệt là trên mạng xã hội".

Bích Ngọc

Theo SCMP