Chiêm ngưỡng giếng cổ được xây từ hàng trăm cối đá
(Dân trí) - Giếng chùa Vĩnh Thái nước trong vắt, quanh năm đầy ắp, đặc biệt được xây dựng từ hàng trăm cối đá xếp chồng lên nhau.
Giếng nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Thái thuộc thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc (Văn Lâm, Hưng Yên). Xuất phát từ một giếng cổ, được người dân sử dụng lâu đời.
Thành giếng được xây dựng từ 228 cối đá xếp chồng lên nhau. Các cối đá được đặt so le, tạo hình tròn bao quanh.
Có 6 tầng cối đá tượng trưng cho Lục độ ba-la-mật. Kết cấu so le, mỗi tầng là 38 cối đá đặt nối tiếp.
Nhà sư Thích Pháp Nghiêm trụ trì chùa Vĩnh Thái cho biết, nước giếng đầy ăm ắp quanh năm, uống có vị ngọt, mát.
Toàn cảnh giếng chùa Vĩnh Thái và sư trụ trì Thích Pháp Nghiêm (bên trái).
Năm 2020 giếng được trùng tu tôn tạo, duy trì theo cách thức cổ xưa. Cổ giếng được xây bằng đá cao khoảng 60cm, khắc ba chữ: Vĩnh Thái Tỉnh.
Chùa Vĩnh Thái được xây dựng trên một vùng đất cổ. Đầu thế kỷ XIX thôn Ngọc Lịch thuộc xã Nghĩa Trai, tổng Nghĩa Trai, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, trấn Kinh Bắc. Ngày nay chùa thuộc thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Chùa Vĩnh Thái chưa rõ thời điểm khởi dựng nhưng theo lời kể của nhân dân địa phương và như nội dung trên bia do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính biên soạn năm Tân Tỵ (1641) thì chùa được trùng tu lại với quy mô lớn hơn vào năm Quý Dậu (1633).
Các cối đá đặt úp, xếp chồng lên nhau.
Khuôn viên giếng được lát gạch đỏ, tạo hình bát quái. Do nằm giữa vườn cây sấu um tùm, sư trụ trì đã dựng thêm phần mái che để ngăn lá rụng làm ô nhiễm nguồn nước.
Sư trụ trì cho biết, phần cổ giếng được xây cao vì mục đích an toàn, tránh những rủi ro có thể xảy ra.