(Dân trí) - Những quả đồi hình bát úp tròn mịn ở xã Long Cốc (Tân Sơn, Phú Thọ) như những kì quan thiên nhiên đem lại vẻ đẹp ngoạn mục cho đất chè vùng trung du.
CẢNH SẮC CHOÁNG NGỢP CỦA NHỮNG ĐỒI CHÈ LONG CỐC
Những quả đồi hình bát úp tròn mịn ở xã Long Cốc (Tân Sơn, Phú Thọ) như những kì quan thiên nhiên đem lại vẻ đẹp ngoạn mục cho đất chè vùng trung du.
Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước. Cây chè không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho các hộ gia đình, làm giàu thôn, xã mà những đồi chè còn tạo nên vẻ đẹp quyến rũ đến cho vùng đất trung du, trong đó điển hình là đồi chè Long Cốc.
Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có địa hình, khí hậu rất thuận lợi để cây chè phát triển. Ước tính diện tích trồng chè khoảng 600 ha, cây chè đã gắn bó với người dân nơi đây từ bao đời nay. Người dân được nhà máy bao tiêu đầu ra sản phẩm, hỗ trợ phân bón...
Những đồi chè nơi đây tròn đều, lô nhô như những chiếc bát úp xanh mướt. Dưới ánh nắng, mảng khối nổi lên tạo nên hình ảnh gần giống với địa hình của sân gôn.
Độ cao trung bình của các đồi chè chỉ khoảng 100-200 m, cây chè phủ kín toàn bộ mặt đồi.
Nếu Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì có ruộng bậc thang thì Long Cốc có đồi chè bát úp không hề kém cạnh về vẻ đẹp từ thiên nhiên.
Dù đã thu hoạch chè bằng máy, năng suất cao hơn nhiều so với làm thủ công song người trồng chè vẫn rất vất vả, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt hiện tại.
Vừa mưa vừa nắng là hiện tượng thời tiết thường gặp trên đồi chè Long Cốc. Trong ảnh là một cơn mưa bất chợt, hiện tượng này rất dễ xuất hiện cầu vồng.
Toàn xã Long Cốc có diện tích 24,78 km2, 600 ha trồng chè đã tạo việc làm cho rất nhiều hộ gia đình nơi đây.
Những mảng tối sáng được tạo bởi ánh nắng chiều trên vùng chè Long Cốc.
Người dân làm chè chủ yếu theo kinh nghiệm, dùng mắt nhìn, mũi ngửi, tay sờ. Thu nhập từ việc trồng chè cũng được từ trên 100 triệu/năm/hộ.
Những đồi chè hình bát úp, san sát, trải dài dường như không có điểm kết thúc. Cũng có nhiều người gọi nơi đây là vịnh Hạ Long vùng trung du".
Mỗi đồi bát úp thoải rộng thường có diện tích hơn một ha. Để hình thành cho đồi chè có tán rộng, vững chãi đòi hỏi kỹ thuật và con mắt nhìn của người dân ngay từ lúc trồng, đặc biệt là lúc đốn tạo tán. Đốn chè là cắt bỏ những cành chè già cỗi, tăm hương, sâu bệnh để thay bằng những cành non sung sức hơn, tạo cho cây chè có bộ khung tán to khỏe, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán cao, đều.
Thu hoạch chè dưới cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục.
Đồi chè Long Cốc dưới ánh hoàng hôn.