(Dân trí) - Bức "La famille dans le jardin" (Gia đình trong vườn) do danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) thực hiện đạt mức giá ấn tượng - 18,6 triệu đô la Hong Kong (tương đương 55,5 tỷ đồng).
Bức "Gia đình trong vườn" của danh họa Lê Phổ đạt mức giá 2,3 triệu USD
(Dân trí) - Bức "La famille dans le jardin" (Gia đình trong vườn) do danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) thực hiện đạt mức giá ấn tượng - 18,6 triệu đô la Hong Kong (tương đương 55,5 tỷ đồng).
Phiên đấu giá 50th Anniversary Contemporary Evening Auction của nhà đấu giá Sotheby có sự xuất hiện của 3 tác phẩm được thực hiện bởi danh họa Việt. Phiên đấu giá vừa tổ chức tại Hong Kong trong chiều 5/4 vừa qua ghi nhận sự xuất hiện của 3 tác phẩm hội họa được thực hiện bởi các danh họa Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ và Lê Phổ.
Bức La famille dans le jardin (Gia đình trong vườn) do danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) thực hiện đạt mức giá ấn tượng - 18,6 triệu đô la Hong Kong (tương đương hơn 2,3 triệu đô la Mỹ, tức 55,5 tỷ đồng). Bức tranh lụa được danh họa thực hiện hồi năm 1938, có kích thước 91,3 x 61,5 cm.
Tác phẩm thể hiện tài năng hội họa của danh họa Lê Phổ. Đây là một bức tranh hiếm hoi được danh họa thực hiện trên chất liệu lụa và có kích thước lớn. Trước nay, chỉ có rất ít tác phẩm tranh lụa kích thước lớn do Lê Phổ thực hiện từng xuất hiện trên thị trường đấu giá.
Tranh của Lê Phổ trong giai đoạn này thường chỉ xuất hiện từ 1 đến 4 nhân vật, nhưng tác phẩm này có tới 5 nhân vật. Bối cảnh trong tranh còn có nhiều chi tiết nhỏ đòi hỏi sự quan sát kỹ lưỡng, cho thấy sự cầu kỳ trong cách thể hiện của danh họa. Đây là điều hiếm khi tìm thấy trong tranh Lê Phổ.
Bức Gia đình trong vườn là một tác phẩm có nhiều lớp lang trong cách khắc họa, giúp tạo nên chiều sâu cho tác phẩm. Tổng thể tranh đưa lại một quang cảnh đẹp an bình, dễ chịu.
Khu vườn trong tranh được khắc họa rất tỉ mỉ. Những chi tiết mang vẻ đẹp thanh nhã được trình bày trong một bức tranh khổ dọc. Tác giả đưa lại cảm nhận về một không gian xanh mát trải dài với sự xuất hiện của cây cối, thảm cỏ trong vườn.
Danh họa Lê Phổ vốn hứng thú với những bức tranh khắc họa bối cảnh gia đình êm đềm, tinh tế, nên thơ. Bức Gia đình trong vườn có cách khắc họa quang cảnh trong khu vườn theo lối uốn khúc, tạo nên chiều sâu và cảm giác khu vườn còn tiếp tục chạy dài. Trong tranh, các nhân vật đang mải mê với những hoạt động của riêng mình như làm vườn, giặt giũ, đọc sách, may vá.
Cảnh vật được khắc họa tỉ mỉ, đa dạng. Các nhân vật cũng có những hoạt động riêng. Tâm điểm của tranh đặt vào hình ảnh người mẹ và đứa trẻ. Người mẹ và đứa trẻ đang theo đuổi những hoạt động riêng: người mẹ ngồi trên chõng may vá; đứa trẻ ở bên cạnh, đặt quyển sách trên chõng và mải mê đọc.
Mẹ và con, mỗi người một hoạt động, nhưng cách khắc họa khiến người xem cảm nhận thấy sự thoải mái, bình an của hai mẹ con khi ở bên nhau.
Danh họa Lê Phổ thường hứng thú khắc họa những hoạt động vừa có nét riêng tư vừa phản ánh niềm vui thư thái của nhân vật, đặt trong bối cảnh không gian ngoài trời đẹp lý tưởng. Bức Gia đình trong vườn thuộc trường phái Ấn tượng, gợi nhắc tới phong cách của nhiếp ảnh: một khoảnh khắc được cô đọng lại với vẻ đẹp thẩm mỹ, sự chi tiết, chính xác.
Bức Jeune femme en bleu dans un paysage (Thiếu nữ mặc áo dài xanh trước cảnh vật) được thực hiện bởi danh họa Vũ Cao Đàm (1908 - 2000). Tác phẩm tranh lụa được vẽ vào năm 1939, có kích thước 92,5 x 64,5 cm. Bức họa đạt mức giá 6,9 triệu đô la Hong Kong (tương đương 20,8 tỷ đồng).
Tác phẩm tranh lụa khổ lớn này được danh họa Vũ Cao Đàm thực hiện trong thời kỳ đầu của sự nghiệp nghệ thuật. Tranh lụa do Vũ Cao Đàm thực hiện vốn rất hiếm. Bức Thiếu nữ mặc áo dài xanh trước cảnh vật đưa lại cảm nhận về sự gợi cảm, sự nữ tính đặt trong nét tinh tế, ý tứ đậm chất Á Đông.
Tác phẩm có cách sắp đặt bố cục mang ảnh hưởng của hội họa phương Tây: nhân vật xuất hiện ở tiền cảnh, hậu cảnh khắc họa phong cảnh thiên nhiên. Thiếu nữ mặc áo dài xanh trước cảnh vật chứa đựng sự tinh tế trong cách khắc họa, có nét huyền hoặc như thể hình ảnh xuất hiện trong một giấc mơ, phảng phất niềm hoài cổ.
Dù nữ nhân vật xuất hiện ở tiền cảnh, chiếm trọn vị trí trung tâm của tranh, nhưng với cách tạo dáng và khắc họa nhân vật rất tinh tế, danh họa Vũ Cao Đàm vẫn đưa lại cảm nhận về một người phụ nữ rất duyên dáng, dịu dàng.
Bức tranh lụa kích thước lớn thể hiện sự tự tin của danh họa đối với kỹ thuật vẽ tranh trên lụa - một chất liệu có nhiều thách thức, đòi hỏi năng lực kiểm soát cây cọ rất chính xác.
Bức Femmes et enfants au bord de la rivière (Mẹ và con vui bên hồ nước) được thực hiện bởi danh họa Mai Trung Thứ (1906 - 1980). Bức tranh lụa được danh họa vẽ hồi năm 1955, có kích thước 61 x 46 cm. Tác phẩm đạt mức giá 5,7 triệu đô la Hong Kong (tương đương 17 tỷ đồng).
Đây là một tác phẩm thể hiện phong cách kể chuyện trong tranh, đưa lại cảm nhận đẹp về một bối cảnh sinh hoạt trong gia đình rất đậm chất thơ. Từ bố cục, cách sử dụng màu sắc, cách khắc họa từng nhân vật đều cho thấy một khoảnh khắc đẹp trong đời sống gia đình, giàu cảm xúc, niềm vui, đưa lại cảm giác êm đềm, ấm áp, bình an.
Tranh đặc tả những người phụ nữ và những đứa trẻ bên một hồ sen. Mỗi nhân vật xuất hiện trong tranh đều có hoạt động riêng, nhưng vẫn rất hài hòa, ăn ý trong tổng thể chung khi xếp đặt cạnh nhau.
Những tương tác giữa các nhân vật đồng điệu, gần gũi, thậm chí có nhân vật còn đưa lại cảm giác hài hước. Mỗi nhân vật trong tranh đều có nét riêng đặc trưng, phù hợp với độ tuổi và mang những ý nghĩa biểu đạt riêng.
Cách danh họa Mai Trung Thứ đặc tả nước trong hồ đem lại chiều sâu cho tác phẩm. Bức tranh lụa cho thấy tài năng của danh họa ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp với cách đưa cọ điêu luyện trên lụa.
Danh họa Mai Trung Thứ được đánh giá rất cao trong cách đặc tả nhân vật, đa số những bức tranh của ông thường chỉ đặc tả từ 1 tới 2 nhân vật. Nhưng bức Mẹ và con vui bên hồ nước khắc họa tới 3 người phụ nữ và 3 đứa trẻ với những cách đặc tả riêng cho từng nhân vật. Điều này khiến tác phẩm có nét riêng đặc biệt hiếm thấy.
Ngoài ra, danh họa lựa chọn khắc họa một hồ sen với những ý nghĩa biểu tượng đẹp đẽ. Sen là một loài hoa có tính biểu tượng trong đời sống văn hóa Việt Nam, là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh cao và tinh thần lạc quan.
Bích Ngọc
Theo Sotheby