(Dân trí) - "Một trong những câu chuyện đặc biệt mà tôi nhận ra, ở Việt Nam không ít người "nghèo"… nhiều tiền. Nghe qua tưởng chừng có vẻ vô lý đúng không?", BTV Ngọc Trinh VTV chia sẻ.
"Một trong những câu chuyện đặc biệt mà tôi nhận ra, ở Việt Nam không ít người "nghèo"… nhiều tiền. Nghe qua tưởng chừng có vẻ vô lý đúng không?", BTV Ngọc Trinh VTV chia sẻ.
THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN NHẤT
LẠI LÀ CƠ HỘI KIẾM TIỀN TỐT NHẤT
Không dễ để hẹn gặp BTV Ngọc Trinh vào những ngày giáp Tết vì guồng quay tin tức thời sự thì không có điểm dừng. Chị có thời gian cho Tết chứ?
- Đối với tôi, những ngày ý nghĩa nhất không nằm ở mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết mà chính là không khí chuẩn bị cho thời khắc đại gia đình sum họp. Và chiều 30 Tết thường là lúc để tôi cảm nhận rõ nhất điều này. Tết còn là thời điểm để lên kế hoạch và trả lời câu hỏi: năm sau, tôi sẽ làm gì.
Ba năm trước, chị chia sẻ với PV Dân trí, đôi khi vẻ ngoài thời thượng, hiện đại nhưng lối sống và cách "hưởng Tết" của chị lại rất truyền thống. Với góc nhìn của chị, Tết năm nay với người Việt có gì thay đổi sau hai năm quay cuồng giữa đại dịch ?
- Có hai thái cực đối lập trong mùa Tết này. Nếu như mọi năm, Tết mới là dịp sum vầy thì năm nay, với nhiều gia đình, không khí ấy được duy trì suốt cả năm. Giờ là lúc họ cùng nhau tận hưởng một cái Tết "bình thường mới".
Ở thái cực ngược lại, với không ít bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ, cả năm xa cách gia đình vì nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, đến ngày Tết, họ cũng không thể trở về nhà.
Tôi nghĩ, khi một sự bất bình thường kéo dài quá lâu ắt trở thành điều bình thường. Sự đoàn tụ, sum họp trở thành điều nghiễm nhiên thì Tết có thể sẽ không còn mang đến cảm giác háo hức như trước đây.
Nhưng đặc biệt, với những người muốn trở về đoàn tụ với gia đình thì Tết lại là thời điểm day dứt, nhớ nhà hơn bao giờ hết.
Với cá nhân tôi, Tết năm nay vẫn tràn ngập không khí háo hức, ấm cúng. Tôi biết mình may mắn khi được sum vầy với gia đình.
Nếu để so sánh, tôi sẽ ví Tết Nhâm Dần như một tấm bản lề đánh dấu lối sống, cách nhìn, suy nghĩ mới, quan trọng hơn là sự nhận biết về giá trị của cuộc sống, gia đình và sự an toàn.
BTV Ngọc Trinh hiện đang giữ vai trò "chủ xị" - host của talk show Moneytalk, một chương trình do Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số VTV Digital sản xuất. Đây là chương trình tư vấn tài chính hướng đến những nhà đầu tư và mong muốn trở thành nhà đầu tư, gồm 2 phiên bản: Tự do tài chính và Bí mật đồng tiền.
Tết đoàn viên, bên cạnh những câu chuyện về sự sum vầy, có lẽ những trăn trở về kinh tế, tài chính sẽ được nhắc đến nhiều lần. Công cuộc mưu sinh của rất nhiều người đã trở nên khó khăn hơn giữa ảnh hưởng của dịch bệnh. Đảm nhiệm vị trí host của chương trình tài chính thu hút ở thời điểm hiện tại, chị nói gì về điều này?
- Không phải bỗng dưng gần đây ca khúc Đem tiền về cho mẹ của Đen Vâu lại trở thành hiện tượng được khán giả ở mọi lứa tuổi yêu thích. Bài hát đã nói lên nỗi lòng của rất nhiều người Việt ở thời điểm hiện tại, dù gần kề hay cách xa đều đang hướng về gia đình.
Quan trọng hơn, chưa năm nào, việc kiếm tiền khó như năm nay. Nhưng cũng chưa năm nào, cơ hội kiếm tiền lại nhiều như năm nay.
Thời điểm dịch bệnh khó khăn thì đa số mọi người kiếm tiền thông qua màn hình máy tính hoặc điện thoại… Nhiều người tìm đến lĩnh vực chứng khoán, tiền điện tử... Cũng từ đó, tôi nhận thấy, đây là kỷ nguyên của những bạn trẻ có tầm hiểu biết về tài chính cá nhân.
Điều này thể hiện rõ nét nhất ở con số kỷ lục lượng tài khoản chứng khoán được mở mới.
Tôi ấn tượng khi nhiều bác lớn tuổi, có tiền cũng bắt đầu bước chân vào thị trường chứng khoán.
Thời điểm cuối năm, tôi được đi khá nhiều nơi và nhìn thấy những mảnh đất đang dần hồi sinh được định vị giá trị cao hơn rất nhiều nhờ có sự đầu tư cơ sở hạ tầng.
Một trong những câu chuyện đặc biệt nữa mà tôi nhận ra, ở Việt Nam không ít người "nghèo"… nhiều tiền.
Nghe qua tưởng chừng có vẻ vô lý đúng không? Nhưng ở nhiều nơi nằm trong quy hoạch xây cầu, đường mới, không ít người nông dân bỗng chốc ngủ trên đống vàng sau khi bán đi mảnh đất của mình.
Và có những người sau một đêm trúng xổ số, từ hai bàn tay trắng lại có trong tay rất nhiều tiền. Điều đáng nói là không ít người trong số họ loay hoay không biết sử dụng tiền như thế nào.
Thế hệ "thừa kế tài sản" cũng đã bắt đầu trưởng thành. Nhưng đa số là những bạn trẻ được học hành bài bản để ra trường làm việc và kiếm tiền, thay vì được học cách làm sao để tiền làm việc cho họ.
Làm thế nào tiêu tiền hiệu quả và xoay vòng được đồng tiền, đó chính là tầm quan trọng của hiểu biết tài chính cá nhân.
Tất cả những ai sờ - nắm - chạm - sử dụng đồng tiền thì đều phải hiểu và lựa chọn mối quan hệ tốt đẹp để đồng tiền của mình được sinh sôi nảy nở thay vì kiếm ra tiền chỉ để nghĩ đến tiêu.
Đó là lí do tôi nghĩ đến hai từ "bí mật đồng tiền" và "tự do tài chính" - những thứ mở đầu cho công cuộc nâng tầm hiểu biết tài chính cá nhân của tất cả mọi người. Tôi mong muốn có thể kể những câu chuyện về đầu tư - tài chính thật gần với khán giả.
"ĐỐI VỚI TÔI, TIỀN LÀ BẠN ĐỜI"
"Nguy" và "cơ" cũng là hai từ khóa được nhắc đến nhiều trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Chị có câu chuyện nào ấn tượng muốn kể?
- Tôi nghĩ rằng, nguy và cơ là hai yếu tố luôn song hành. Đôi khi bạn nghĩ, bạn đang có cơ nhưng lại ẩn chứa nguy. Đôi khi bạn nghĩ bạn đang gặp nguy nhưng lại có cơ.
Vấn đề nằm ở chỗ phải làm thế nào để biến nguy thành cơ?
Tôi đã chứng kiến, có những doanh nghiệp đứng bên bờ vực, thậm chí "chết lâm sàng" nhưng lại tìm ra được giải pháp bám trụ. Họ đầu tư chứng khoán để lấy tiền duy trì doanh nghiệp.
Dịch bệnh kéo dài, có thời điểm doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, không tạo ra doanh thu nhưng vẫn phải trả lương để giữ nhân viên. Điều đó bắt buộc doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp.
Trong số các chương trình chúng tôi thực hiện, từng xuất hiện một nhân vật truyền cảm hứng là chị lao công với cuộc sống mưu sinh vất vả. Vì không có tiền thuê người trông con, chị phải mang theo con nhỏ trong cả những đêm đông giá rét.
Câu chuyện của chị đã trở thành hiện tượng. Và sau đó chị được các nhà hảo tâm tặng rất nhiều tiền. Tưởng rằng đó là một cái kết có hậu. Ngờ đâu, thứ chị có được lại là… nỗi sợ.
Chị lo lắng gọi cho chúng tôi hỏi bây giờ chị phải làm gì với số tiền này? Chị sợ một ngày nào đó, người giúp đỡ đòi lại số tiền đã trao thì sao?
Vậy đó, cuộc đời của họ thay đổi nhờ một cú hích của truyền thông nhưng có thực sự sang trang hay không, là thảm họa hay ánh hào quang còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Một ví dụ khác về việc trong cơ vẫn ẩn chứa nguy. Tôi biết một cô bé nhận học bổng một tỷ đồng của một trường rất danh giá. Dịch bệnh kéo dài, cô bé phải chuyển sang học online, khoản sinh hoạt phí được hỗ trợ bị cắt hết.
Đến bây giờ, cô bé khó khăn chồng chất khó khăn, trong khi một mình cáng đáng, đi làm thêm nuôi cả gia đình.
Câu chuyện này thể hiện việc nhiều người chỉ nhìn nhận một chiều về đồng tiền, cho rằng khó khăn quá mỗi người một li, một lai giúp đỡ là xong… Đó là quan niệm có thể gây ra cả tấn bi kịch. Chúng ta phải thực sự hiểu về đồng tiền để không bị đồng tiền dẫn dắt.
Bản thân chị quan niệm như thế nào về đồng tiền?
- Tôi quan niệm tiền là bạn đời. Có thể lúc trẻ bạn nghĩ bạn không cần nó nhưng già chắc chắn sẽ cần.
Có thể bạn nghĩ rằng, một ngày ba gói mì đã sống được nhưng đến năm 60 tuổi thì bạn có làm được điều đó không?
Quan điểm thứ hai của tôi đó là tiền không xấu. Nếu có méo mó là do mình gán ghép cho nó.
Giống như bạn đời, nếu mình hiểu, tôn trọng, có cách hành xử văn minh với họ thì họ cũng sẽ tử tế lại với mình.
Tết này chị sẽ mang điều gì về cho mẹ?
- Tôi mang sự hiện diện về cho mẹ. Thực ra mẹ tôi cũng không cần tôi cầm tiền về cho bà. Nhưng tôi nghĩ với nhiều ông bố bà mẹ, thời trẻ có thể niềm tự hào là sở hữu bao nhiêu tài sản, nhưng ở một giai đoạn khác, sẽ muốn khoe con tôi đã làm được những gì.
Có người sẽ tự hào bởi "con tôi làm to", "con tôi hiểu chuyện", có khả năng "dời sông lấp bể" nhưng cũng có những người mẹ chỉ cần con là người có ích cho xã hội.
Tôi nghĩ rằng, đến giờ phút này tôi đã nhận ra được giá trị của sự lao động, không hẳn là tôi kiếm được bao nhiêu tiền mà tôi có thể đem về giá trị gì để phụng sự và trả lại những gì xã hội đã cho mình.
"TỪ NHỎ, TÔI ĐÃ ĐƯỢC DẠY TỈ MỈ
CÁCH LUỘC GÀ CÚNG CHO CHUẨN"
Trong những cái Tết tuổi thơ của chị, Tết nào chị ấn tượng nhất?
- Thường thì người ta sẽ nhớ đến những cái Tết của sự trống vắng, của nỗi buồn sâu sắc hơn là những cái Tết vui.
Có một xu hướng là khi bạn vui nhiều quá bạn sẽ nhớ đến những thứ khiến bạn buồn. Ngược lại, khi bạn không vui thì chắc chắn bạn sẽ luôn nhớ đến những điều khiến bạn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc nhất.
Còn tôi thì lúc nào cũng trong trạng thái bình thường. Chưa có một đêm giao thừa nào tôi ra khỏi nhà. Tôi phải làm mâm cỗ cúng xong, lo mọi thứ trọn vẹn, sáng hôm sau tôi mới đi chùa.
Ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy rất tỉ mỉ để biết cách luộc con gà cúng như thế nào cho chuẩn, bày mâm ngũ quả ra sao. Bàn thờ cúng gia tiên trong nhà chắc chắn phải có cặp bánh chưng, một "ông gà" quay mặt vào phía trong bàn thờ và ngậm bông hoa hồng… Điều đó đã trở thành truyền thống lâu đời của gia đình.
Chúng ta có 364 ngày để làm việc, suy nghĩ cho bản thân, để vui chơi và hẹn hò nhưng chỉ có một ngày duy nhất vào đêm 30 thời điểm giao thừa để có thể tỏ lòng thành kính tri ân đấng sinh thành, tổ tiên.
Chị vừa nhắc đến tài sản lúc trẻ, ở thời điểm hiện tại, chị có tự tin với những thứ mà mình có được không?
- Lúc đi học thì điểm số là điều mà bạn theo đuổi và nhiều người nhìn vào để đánh giá bạn. Nhưng khi bạn ra trường thì điểm tín dụng mới là thước đo để so sánh và đánh giá bạn.
Ở giai đoạn thứ ba, giai đoạn tự do tài chính, đồng tiền không thể kiểm soát bạn, yếu tố "chấm điểm" là bạn đã làm được gì cho xã hội?
Tại sao có nhiều tỷ phú vẫn miệt mài làm việc khi tiền họ tiêu không hết? Nhưng điều mà họ trăn trở là "tôi có thể làm gì cho xã hội".
Thứ họ muốn gặt hái không phải là con số mà để trả lời câu hỏi "bước tiếp theo tôi phải làm gì".
Đó là ba giai đoạn cho thấy sự tiến hóa của tư duy.
Tôi tin rằng, đến một độ tuổi nhất định, không ai dám tự vỗ ngực rằng, cuộc đời tôi mãi mãi êm đềm, chưa bao giờ gặp trúc trắc.
Còn đối với tôi, những điều đó là bài học để tôi nhận ra đến thời điểm hiện tại, tôi muốn gì.
"TÔI VẪN THUỘC NGƯỜI ĐANG "THOÁT NGHÈO"
Rất nhiều bài viết gọi BTV Ngọc Trinh là "đại gia" sở hữu tài sản khủng, chị phản ứng điều này như thế nào?
- Quan trọng là bạn định nghĩa thế nào là tài sản. Với tôi, con số hoặc số tiền bạn đang có là tiêu sản. Trí tuệ mới là tài sản.
Mà nếu nói vậy, thì tôi vẫn thuộc người đang "thoát nghèo" (cười).
Chị đã trải qua hai năm Covid-19 với tâm thế như thế nào?
- Tôi là người luôn hướng đến sự tích cực. Tôi nhận ra, đại dịch đem đến thảm cảnh nhưng cũng trao cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ bản lĩnh vượt qua khó khăn.
Từ xưa đến nay, chúng ta chỉ nhắc đến ý chí, sự kiên cường của người Việt trong chiến tranh nhưng giờ đây chúng ta trải qua cuộc chiến với một kẻ thù vô hình. Ý thức chính là tấm khiên hữu hiệu nhất để chúng ta bảo vệ bản thân.
Được biết, vào mỗi dịp giao thừa chị sẽ bóc một cây son đỏ để khởi động một năm mới? Thói quen này đến nay còn được duy trì không? Và chị kỳ vọng gì cho năm 2022?
- Tôi vẫn luôn giữ trọn vẹn sự háo hức, mong chờ với thời khắc bóc một thỏi son đỏ vào đầu năm mới (cười).
Tôi nghĩ rằng, không phải tôi mà cả thế giới cũng kỳ vọng vào một năm 2022 khởi sắc, kiểm soát được dịch bệnh.
Kỳ vọng thứ hai đó là nền kinh tế sẽ bắt đầu khôi phục dù có nhiều thách thức và cơ hội mới.
Kỳ vọng thứ ba là một số những thói quen và tư duy không còn hợp thời nữa buộc phải thay đổi và đó sẽ là một sự khởi đầu mới.
Tôi tin là chúng ta sẽ tạo được một điều phi thường và bản thân tôi cũng sẽ hướng mình làm được điều đó.
Bài, thiết kế: Phương Nhung
Ảnh: Toàn Vũ, Nguyễn Văn Phước (Kim Bánh Trôi Nước)