DMagazine

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD

(Dân trí) - Hoạt động mua hết bản quyền ca khúc của một nghệ sĩ đã trở thành một hiện tượng mới mẻ của nền công nghiệp âm nhạc trong những năm gần đây.

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD

Hoạt động mua hết bản quyền "gia tài nghệ thuật" của một nghệ sĩ đã trở thành một hiện tượng mới mẻ của nền công nghiệp âm nhạc trong những năm gần đây.

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD - 1

Mới đây nhất, nam ca sĩ người Mỹ Bruce Springsteen (72 tuổi) đã bán đi toàn bộ bản quyền ca khúc của mình (Ảnh: Daily Mail).

Mới đây nhất, nam ca sĩ người Mỹ Bruce Springsteen (72 tuổi) đã bán đi toàn bộ bản quyền ca khúc của mình để nhận về 500 triệu USD. Bên mua là một công ty âm nhạc lớn.

Tất cả bản quyền những ca khúc đã thu âm của Bruce Springsteen và những ca khúc do ông tự sáng tác nên từ giờ sẽ thuộc về một công ty âm nhạc.

Tổng số hơn 300 ca khúc từng xuất hiện trong hơn 20 album âm nhạc của nam ca sĩ Bruce Springsteen đã được ông bán lại bản quyền cho một công ty.

Con số 500 triệu USD mà Bruce Springsteen nhận được từ thương vụ này đang gây sửng sốt, con số này vượt qua mức phí bản quyền mà một công ty âm nhạc khác từng trả cho nam ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan (80 tuổi) hồi tháng 12/2020.

Khi ấy, ông Bob Dylan đã nhận về 300 triệu USD sau khi bán lại toàn bộ bản quyền tác phẩm của mình. Trước đó, cũng đã có nhiều nghệ sĩ đồng ý bán bản quyền tác phẩm và nhận về những khoản tiền lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD.

Hiện tượng bán bản quyền tác phẩm này bắt đầu xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Giới chuyên môn cho rằng hiện tượng mua bản quyền tác phẩm diễn ra rầm rộ thời gian qua là bởi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến ngày càng đưa lại những nguồn thu ổn định, thậm chí còn đang có nhiều tín hiệu về việc gia tăng nguồn thu.

Những nghệ sĩ vừa tự sáng tác vừa tự thu âm, lại vừa là những ngôi sao lớn đã có nhiều thập kỷ hoạt động nghệ thuật, chính là những nhân vật được nhắm tới trong các kế hoạch thương lượng mua lại bản quyền tác phẩm.

Các ca khúc của họ không chỉ đưa về lợi nhuận bản quyền từ các nền tảng nghe nhạc trực tuyến mà còn có thể được sử dụng trong đa dạng các hoạt động như chèn vào quảng cáo, sử dụng trong chương trình truyền hình, bộ phim điện ảnh... Có rất nhiều cách thức để một tác phẩm phát sinh chi phí bản quyền và đưa về lợi nhuận cho bên sở hữu tác phẩm.

Một số nghệ sĩ có thể lựa chọn giữ lại quyền sở hữu tác phẩm để chính họ tự mình thu về lợi nhuận về lâu dài, nhưng đa số mọi người vẫn sẽ cảm thấy bị hấp dẫn bởi một khoản tiền lớn được trả về "một cục" ngay khi họ... còn đang sống.

Số tiền lớn đó sẽ giúp nghệ sĩ thực hiện được nhiều dự định mà họ mong muốn, hoặc đơn giản hơn, đó là được tận hưởng cuộc sống ở một năng lực kinh tế mới.

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD - 2

Thực tế, các công ty đang tiếp cận những nghệ sĩ nổi tiếng để mua lại bản quyền tác phẩm cũng đều là những công ty mà nghệ sĩ đã quen thuộc từ lâu (Ảnh: Daily Mail).

Thực tế, các công ty đang tiếp cận những nghệ sĩ nổi tiếng để mua lại bản quyền tác phẩm cũng đều là những công ty mà nghệ sĩ đã quen thuộc từ lâu trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, điều đó khiến nghệ sĩ cảm thấy an tâm, họ có nhiều lòng tin trong các thương vụ dạng này, bởi họ biết rằng họ đang trao những đứa con tinh thần của mình vào tay một đơn vị uy tín.

Hiện tại, thương vụ chuyển nhượng bản quyền mà Bruce Springsteen vừa thực hiện có thể xem là đỉnh cao về mặt chi phí giao dịch chuyển nhượng bản quyền tác phẩm âm nhạc.

Bruce Springsteen chắc chắn không phải nghệ sĩ đầu tiên và cũng không phải nghệ sĩ cuối cùng quyết định bán lại bản quyền loạt tác phẩm âm nhạc của mình.

Trước đó, nam ca sĩ - nhạc sĩ Neil Young đã bán lại tác quyền một nửa số tác phẩm mà ông sở hữu cho một tập đoàn, thương vụ này ước tính đưa về cho Neil Young 150 triệu USD.

Nữ ca sĩ - nhạc sĩ Stevie Nicks của nhóm nhạc Fleetwood Mac đã bán 80% số lượng bản quyền ca khúc với giá 100 triệu USD. Nhóm nhạc Imagine Dragons cũng bán bản quyền tác phẩm mà họ sở hữu để nhận về hơn 100 triệu USD.

Một công ty âm nhạc đã chi ra khoảng 670 triệu USD từ tháng 3/2020 tới tháng 9/2020 để có quyền sở hữu hơn 44.000 nhạc phẩm của các nghệ sĩ như Blondie, Rick James, Barry Manilow, Chrissie Hynde của nhóm The Pretenders... Và còn rất nhiều thương vụ tương tự khác đã, đang và sẽ diễn ra trong nền công nghiệp âm nhạc đương đại.

Hiệu ứng từ việc nghe nhạc trực tuyến

Thói quen nghe nhạc trực tuyến của công chúng đã khiến giá trị ca khúc gia tăng theo nhiều cách thức mới. Ước tính giá trị mảng phát hành âm nhạc trực tuyến tại Mỹ đã lên tới 10,3 tỷ USD trong năm 2019.

Số lượng người lựa chọn cách nghe nhạc trực tuyến chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời đại công nghệ. Việc thống kê lượt nghe, lượt tải trên nền tảng trực tuyến lại dễ dàng và độ chính xác cao, khiến việc định giá ca khúc đơn giản hơn. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể dự đoán trước các khoản thu sẽ đạt được trong tương lai từ những nhạc phẩm mà họ sở hữu.

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD - 3

Thói quen nghe nhạc trực tuyến của công chúng đã khiến giá trị ca khúc gia tăng theo nhiều cách thức mới (Ảnh: Daily Mail).

Hơn thế, âm nhạc không bị lạm phát, trượt giá. Việc nắm quyền sở hữu đối với loạt tác phẩm của một nhạc sĩ nổi tiếng đang là lựa chọn hấp dẫn giới đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Âm nhạc là một ngành công nghiệp luôn phát triển ngay cả khi người nghe nhạc đang buồn hay vui, đang kiếm được hay không kiếm được.

Sau khi mua được bản quyền tác phẩm từ nhạc sĩ, nhà đầu tư có thể thu lợi nhuận từ việc phát hành ca khúc trực tuyến, thu phí tác quyền khi ca khúc được sử dụng trong hoạt động biểu diễn, trong phim, trong show truyền hình... Nhà đầu tư cũng có thể thực hiện những dự án âm nhạc sử dụng chính những ca khúc mà họ đang sở hữu, như làm phim, làm nhạc kịch...

Chính những ca khúc lâu năm lại đang chứng tỏ là sự lựa chọn an toàn, bởi những tác phẩm này đã chịu được sự thử thách của thời gian. Nhiều ca khúc cũ bất ngờ thịnh thành trở lại bởi mạng xã hội liên tục tạo ra những xu hướng mới, bao gồm cả xu hướng nghe nhạc kiểu hoài niệm, cổ điển.

Đôi khi một tác phẩm đã lâu năm bỗng được tìm nghe trở lại chỉ vì nó xuất hiện trong một clip lan truyền trên mạng, khi ấy, một ca khúc lâu năm sẽ lại tiếp tục đem về lợi nhuận từ các lượt nghe trực tuyến và tải ca khúc có trả phí.

Dịch bệnh Covid-19 khiến mọi thứ trở nên khó đoán

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD - 4

Trên khắp thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra khó lường (Ảnh: Daily Mail).

Trên khắp thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra khó lường. Sẽ còn mất một khoảng thời gian nữa trước khi các nghệ sĩ có thể lại đi tour lưu diễn một cách đều đặn, trong khi đó, nguồn thu chính của nhiều nghệ sĩ hiện nay lại đến từ hoạt động lưu diễn.

Chẳng hạn, như nhóm nhạc U2 kiếm được 54,4 triệu USD trong năm 2017, nhưng tới 95% số thu nhập này đến từ hoạt động lưu diễn; còn phí nghe nhạc trực tuyến và tải nhạc có trả phí chỉ đưa về chưa đầy 4% thu nhập.

Để hoạt động lưu diễn của nghệ sĩ có thể diễn ra dễ dàng như trước còn cần nhiều thời gian. Vì vậy, trước sự bấp bênh của sự nghiệp lưu diễn trong hoàn cảnh mới, không ít nghệ sĩ quyết định "bán đứt gia tài âm nhạc" của mình để thu về một số tiền chắc chắn, và số tiền ấy cũng không hề nhỏ.

Nghệ sĩ không muốn gia tài âm nhạc bị phân tán về sau

Có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới khi ra đi không kịp để lại một bản di chúc đề cập chi tiết tới cách quản lý những gia tài mà họ để lại, trong đó có cả quyền sở hữu đối với các tác phẩm âm nhạc. Tài sản mà nghệ sĩ để lại thường trở thành nguồn cơn của những vụ kiện tụng sau khi họ qua đời.

Vì vậy, nhiều nghệ sĩ khi đến một độ tuổi nhất định sẽ bắt đầu cẩn thận lên kế hoạch cho các hạng mục tài sản mà họ sở hữu. Nhiều người có đời tư phức tạp, kết hôn nhiều lần và có nhiều con, họ không muốn các thành viên trong gia đình kiện tụng lẫn nhau để tranh chấp quyền sở hữu tài sản.

Bruce Springsteen bán hết ca khúc nhận về... 500 triệu USD - 5

Đặc biệt với các nhạc phẩm, nghệ sĩ luôn muốn ứng xử trân trọng nhất (Ảnh: Daily Mail).

Đặc biệt với các nhạc phẩm, nghệ sĩ luôn muốn ứng xử trân trọng nhất. Việc thực hiện các hoạt động thương lượng, chuyển nhượng bản quyền tác phẩm, cần phải được thực hiện khi nghệ sĩ vẫn còn minh mẫn để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt nhất, cả về mặt tài chính cũng như mặt lợi ích cho tương lai của các tác phẩm.

Đó là lý do tại sao đang có nhiều nghệ sĩ cao niên đồng loạt bán đi gia tài âm nhạc của họ. Thực tế, với những nghệ sĩ đã có sự nghiệp âm nhạc lớn như Bob Dylan hay Bruce Springsteen, họ thực sự không "cần" phải bán gia tài âm nhạc của mình chỉ vì lý do tiền bạc, mà bởi họ "muốn" làm vậy.

Một khi bên mua có đủ khả năng chi ra những số tiền "khủng" để mua lại bản quyền tác phẩm, thì bên mua đó cũng có đủ khả năng để chăm sóc tốt nhất, duy trì sức sống, sức ảnh hưởng của các tác phẩm âm nhạc ấy trong những thế hệ người nghe nhạc sau này, nghệ sĩ vì thế mà sẽ an tâm trao lại bản quyền cho bên mua.

Bên mua có thể chi ra những con số lên tới hàng trăm triệu USD, đương nhiên, họ sẽ làm mọi cách để thu về lợi nhuận nhiều hơn con số đã chi ra, suy cho cùng, hành động "tận dụng triệt để" các ca khúc đã mua được bản quyền ấy lại giúp cho ca khúc có độ phủ sóng, có sức sống dài lâu, bền bỉ hơn trong đời sống đại chúng, với những người nghệ sĩ, đó chính là những gì họ hằng mong đợi.