Tổng quan bệnh Bệnh sởi
Sởi là gì? Sởi là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra có thể gặp ở nhiều đối tượng đặc biệt là trẻ em. Sởi rất dễ lây lan và bùng phát thành ổ dịch, mặc dù phần lớn trẻ mắc bệnh đều có thể hồi phục sau một thời gian nhưng ở những trẻ có sức đề kháng kém như trẻ nhũ nhi thì bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra biến chứng về sau
Nguyên nhân bệnh Bệnh sởi
Tác nhân gây bệnh sởi được xác định là virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Hiện đây vẫn được xem là bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ với nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp.
Triệu chứng bệnh Bệnh sởi
Sau khi nhiễm sởi, thời gian ủ bệnh có thể từ 7 ngày đến 2 tuần. Sau đó, triệu chứng bệnh sởi có những biểu hiện sau:
Giai đoạn khởi bệnh, trẻ thường sốt cao ( trên 39°C) khi biểu hiện sốt thuyên giảm sẽ đồng thời xuất hiện triệu chứng phát ban đặc trưng của sốt
Diễn tiến của ban sởi rất đặc trưng: ban nổi bắt đầu từ sau tai ( vùng gáy), sau đó lan ra mặt rồi dần xuống ngực bụng và cuối cùng là toàn thân. Ban của sởi là ban dạng sẩn ( ban gồ lên mặt da) sau khi hết sẽ để lại vệt thâm da đặc trưng được gọi là “vằn da hổ”.
Ngoài những biểu hiện trên, trẻ mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như: đỏ mắt, chảy nước mũi, ho hoặc đôi khi là tiêu chảy.
Biến chứng của sởi: thường gặp nhất là viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
Đường lây truyền bệnh Bệnh sởi
Bệnh sởi rất dễ lây với các đặc điểm lây như:
Sởi lây lan từ người bệnh sang người lành chủ yếu do dịch tiết mũi họng của người nhiễm sởi thoát ra không khí khi ho, hắt hơi và người lành hít phải những giọt không khí chứa virus đó.
Bệnh sởi có thể lây nhiễm trước và sau vài ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Bệnh sởi
Bệnh sởi tập trung ở một số nhóm đối tượng nguy cơ cao như:
Người chưa được tiêm vaccine ngừa sởi, nhất là ở trẻ nhỏ ( nhũ nhi) sẽ rất dễ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây sởi.
Người thường xuyên đi du lịch quốc tế, nhất đến những vùng là các quốc gia đang phát triển nơi bệnh sởi xảy ra phổ biến. Nếu cá nhân đến các vùng này không có biện pháp phòng ngừa thì khả năng nhiễm bệnh sẽ rất cao.
Những người bị thiếu hụt vitamin A trong chế độ ăn hằng ngày nếu mắc bệnh sởi rất dễ diễn tiến nặng cũng như gặp những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Phòng ngừa bệnh Bệnh sởi
Có 4 biện pháp chủ động, đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh sởi hiện nay:
Thực hiện chủ động việc tiêm ngừa bệnh sởi: Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ đủ 9 tháng được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh sởi miễn phí tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, để đảm bảo tạo ra miễn dịch bền vững cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Thực hiện tốt việc cách ly trẻ bệnh: Bệnh sởi lây lan rất nhanh nên khi phát hiện trẻ bệnh cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị, đồng thời cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho cộng đồng.
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế và người nhà: Đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc trẻ bệnh, đây cũng là biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm chéo cho các trẻ khác tại các bệnh viện có bệnh nhân mắc sởi.
Rửa tay sạch sẽ, đầy đủ các bước rửa tay thường quy được hướng dẫn trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh với mục tiêu phòng ngừa sự lây nhiễm chéo.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bệnh sởi
Chẩn đoán phải dựa vào cả triệu chứng lâm sàng của bệnh sởi và cả xét nghiệm cần thiết:
Về lâm sàng: có những triệu chứng điển hình như: sốt, phát ban kèm ho, mắt đỏ ( viêm kết mạc mắt) hoặc chảy nước mũi.
Về xét nghiệm:
Xét nghiệm MAC-ELISA dùng để phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu với sởi trong huyết thanh, thường dùng nhất trong chẩn đoán xác định sởi.
Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang để phát hiện kháng nguyên virus trong bệnh phẩm của bệnh nhân sởi ( dịch mũi họng, máu). Xét nghiệm này ít sử dụng trong thực tế lâm sàng.
Các biện pháp điều trị bệnh Bệnh sởi
Nguyên tắc điều trị bệnh sởi:
Cách ly bệnh nhân sởi
Điều trị hỗ trợ:
Vệ sinh da, mắt, miệng họng
Tăng cường dinh dưỡng
Hạ sốt
Bổ sung vitamin A
Điều trị biến chứng:
Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn
Hạn chế truyền dịch nếu có biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc viêm cơ tim