Tổng quan bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (hay còn gọi là màng não cầu, nhiễm khuẩn huyết màng não cầu, nhiễm khuẩn huyết do Neisseria Meningitidis) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra.
Đây là một loại vi khuẩn khu trú ở vùng mũi họng, chúng gây bệnh khi xâm nhập từ đường hô hấp vào máu gây nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn não mô cầu gồm các chủng vi khuẩn gây bệnh khác nhau như A, B, C, X, Y và W135. Ở nước ta, các trường hợp bệnh chủ yếu do chủng vi khuẩn A và C gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người do hít phải các giọt chất tiết bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh trong phạm vi 1 mét.
Bệnh thường biểu hiện ở các ca bệnh riêng lẻ, hiếm khi bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, bệnh diễn rất nhanh, có tỉ lệ tử vong cao và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh và xã hội như điếc, liệt, chậm phát triển. Nhiễm khuẩn tối cấp và viêm màng não mô cầu là hai thể nặng của bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có các thể bệnh khác như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm kết mạc mắt v.v… tùy theo cơ quan bị tổn thương. Bệnh cảnh nặng nề nhưng có thể phòng lây bệnh bằng các biện khám cách ly, kháng sinh dự phòng và vắc-xin phòng bệnh tùy theo chủng vi khuẩn.
Nguyên nhân bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn màng não cầu, tên khoa học Neisseria Meningitidis
Triệu chứng bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Các triệu chứng bệnh đa dạng, tùy thuộc vào cơ quan bị tổn thương. Hai triệu chứng thường gặp của bệnh là sốt và ban xuất huyết hoại tử (còn gọi là tử ban)
Sốt: khởi phát đột ngột, sốt cao 39-40 độ C
Ban xuất huyết hoại tử: thường xuất hiện sau sốt 1-2 ngày. Ban xuất huyết hoại tử có kích thước từ 1-2 mm đến vài cm, màu đỏ thẫm, không nhô lên khỏi mặt da, có thể kèm hoại tử ở trung tâm ban hay kèm bóng nước. Ban thường xuất hiện ở vùng hông và chi dưới hoặc lan toàn thân .
Các triệu chứng khác thường tùy theo thể bệnh:
Thể nhiễm khuẩn tối cấp: bệnh nhân bị sốc, biểu hiện bằng các triệu chứng như tụt huyết áp, rối loạn đông máu
Thể viêm màng não mô cầu: đau đầu, nôn ói, rối loạn ý thức, co giật.
Đường lây truyền bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Đường lây: đường hô hấp, vi khuẩn lây truyền qua các chất tiết bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Những người có hệ miễn dịch của cơ thể yếu như trẻ nhỏ, thường gặp ở độ tuổi 3-6 tuổi, người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh như người nhà của bệnh nhân, cán bộ y tế chăm sóc người bệnh, những người đi vào vùng đang có bệnh
Phòng ngừa bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Bệnh có thể được phòng ngừa lây từ người sang người bằng các biện pháp cách ly người bị bệnh. Đối với những người sắp đi vào vùng có tỉ lệ bệnh cao có thể dùng kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.
Các kháng sinh dự phòng thường dùng:
Ciprofloxacin 500mg uống 1 liều duy nhất
Rifampicin: Người lớn 600mg/ngày, trẻ em 20mg/kg/ngày, dùng trong 2-3 ngày
Dự phòng chủ động bằng tiêm vắc-xin cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, có hệ miễn dịch suy yếu. Vắc-xin được lựa chọn tùy theo chủng vi khuẩn gây bệnh. Meningo là vắc-xin giúp phòng ngừa não mô cầu chủng A và C được dùng ở Việt Nam. Menveo giúp dự phòng được cả 4 chủng vi khuẩn: A, C, Y và W135.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Để chẩn đoán bệnh cần kết hợp hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng.
Khám: Tìm các triệu chứng điển hình của bệnh như sốt, ban xuất huyết hoại tử và các dấu hiệu khác tùy theo thể bệnh.
Xét nghiệm cần thực hiện: Công thức máu xem sự gia tăng của bạch cầu, xét nghiệm chức năng đông cầm máu, cấy máu tìm vi khuẩn. Có thể cần lấy dịch não tủy làm xét nghiệm nếu nghi ngờ viêm màng não.
Bệnh được chẩn đoán xác định khi sốt kèm theo 1 trong 3 triệu chứng sau:
Ban xuất huyết điển hình của nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu
Cấy máu dương tính với Neisseria Meningitidis
Phết ban xuất huyết hoại tử tìm sự có mặt Neisseria Meningitidis
Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu
Điều trị kháng sinh đặc hiệu theo phác đồ điều trị: Kháng sinh được dùng theo đường tĩnh mạch, trong khoảng thời gian trung bình từ 5 đến 7 ngày, liều lượng phụ thuộc vào thể bệnh.
Các trường hợp nặng, bệnh nhân tụt huyết áp, cần được nhanh chóng điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như truyền dịch, thuốc nâng huyết áp theo phác đồ điều trị sốc, điều chỉnh các rối loạn đông máu trong cơ thể, điều trị các triệu chứng kèm theo của bệnh như sốt, cắt cơn co giật (nếu có)