Truyền nhiễm
Dấu hiệu cảm cúm ở bà bầu
Trước khi có ý định sinh em bé, nhiều người đã chủ động tiêm phòng các loại vacxin, tuy nhiên, nếu không may có những dấu hiệu cảm cúm ở bà bầu sau đây thì cũng cần phải lưu ý bởi bất kỳ thay đổi sức khỏe của mẹ trong giai đoạn mang thai đều có ảnh hưởng nhất định đến thai nhi trong bụng.
1. Bệnh cảm cúm ở bà bầu
Cúm là căn bệnh truyền nhiễm do nhóm virus cúm (influenza virus) gây ra cho người bệnh, có rất nhiều nhóm cúm như cúm A, B, C...trong đó cúm A và B là những loại phổ biến nhất. Cần phân biệt dấu hiệu cảm lạnh và dấu hiệu cảm cúm khi mang thai để có thể đưa ra phương pháp điều trị đúng nhất.
Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, khi em bé bắt đầu hình thành và phát triển các bộ phận của cơ thể, thai phụ lúc này có những thay đổi nhất định, đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh, đặc biệt, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến họ dễ bị mắc ho, nhiễm trùng, cảm lạnh và cảm cúm.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan khiến bà bầu mắc cảm cúm có thể là do thời tiết thay đổi hay môi trường xung quanh. Cúm là một truyền nhiễm cấp tính, một số chủng virus cúm có khả năng khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như: Sứt môi, sinh non, đục thuỷ tinh thể hoặc thai chết lưu.
Bệnh cảm cúm ở bà bầu thường là lành tính, tuy nhiên, nó cũng có thể biến chứng nặng và gây nguy hiểm, đặc biệt là ở thai phụ có bệnh lý mạn tính về hô hấp và tim mạch hay suy giảm miễn dịch.
2. Dấu hiệu nhận biết cảm cúm ở bà bầu
Thai phụ có thể mắc phải bệnh cúm quanh năm, đặc biệt vào mùa đông, một số dấu hiệu cảm cúm ở bà bầu bao gồm:
- Đau đầu.
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi.
- Viêm họng.
- Ớn lạnh.
- Mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài đến hai tuần.
- Ho khan.
- Bị sốt.
- Đau cơ nghiêm trọng hoặc cơ thể.
Các dấu hiệu cảm cúm khi mang thai thường đến rất nhanh, biểu hiện rõ ràng, có xu hướng nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn từ 1 đến 2 tuần. Nếu thai phụ nghi ngờ mình có dấu hiệu của bệnh cúm thì hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.
3. Biến chứng của bệnh cúm khi mang thai
Phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn so với người bình thường khi mắc phải cảm cúm, một trong những biến chứng dễ gặp phải nhất chính là gây viêm phế quản, viêm phổi.
Ngoài ra, còn có các biến chứng khác không phổ biến như: Nhiễm trùng máu gây ra giảm huyết áp, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, viêm nội tâm mạc...
Khi mang thai, nếu thai phụ bị cảm cúm thì điều này cũng sẽ gây nên những nguy cơ sinh sớm cho mẹ hoặc em bé sinh ra có cân nặng thấp hoặc nặng nề hơn là thai lưu hoặc tử vong.
Chính vì thế, ngay khi có những dấu hiệu cảm cúm khi mang thai đầu tiên thì hãy lập tức đến bệnh viện kiểm tra và có phương án xử lý kịp thời. Chỉ có bác sĩ mới có đủ chuyên môn và trình độ thăm khám, các phương tiện kiểm tra tình trạng sức khỏe của thai phụ cũng như mức độ ảnh hưởng tới thai nhi để có những hướng điều trị cụ thể.
4. Phòng ngừa dấu hiệu cảm cúm ở bà bầu hiệu quả
Trên thực tế, việc điều trị cảm cúm ở bà bầu thường gặp khó khăn hơn so với các trường hợp bình thường vì sử dụng thuốc tây có thể gây ra tác dụng phụ lên thai nhi và gây ra tình trạng: Thai nhi dị dạng, sẩy thai, nhiễm độc thai nghén...đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu.
Việc điều trị gặp khó khăn, nhưng sức đề kháng của mẹ bầu trong thời gian này cũng rất kém nên để bệnh tự khỏi sẽ rất mất thời gian và còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Chính vì thế, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Cách tốt nhất để phòng ngừa cảm cúm khi mang thai làtiêm phòng vacxin để bảo vệ cả mẹ và con, giúp an toàn trong suốt các giai đoạn của thai kỳ.
Virus gây bệnh cúm có khả năng lây lan qua không khí nên bà bầu cần hạn chế đến chỗ đông người, không tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm.
Ngoài ra, để tránh bị nhiễm virus gây cảm cúm khi mang thai, bà bầu nên rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng. Đảm bảo ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng.
Bà bầu bị mắc bệnh cảm cúm không được chủ quan trước tình trạng bệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng khi thấy có dấu hiệu cảm cúm khi mang thai mà phải đi khám để được bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc, nhắc nhở các biện pháp chăm sóc thai kỳ thích hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống.
Trong trường hợp đã cố gắng phòng tránh nhưng vẫn có những dấu hiệu cảm cúm khi mang thai thì mẹ bầu có thể áp dụng các bài thuốc dân gian để điều trị như là súc miệng bằng nước muối loãng, uống nhiều nước, uống chanh nóng hoặc nước mật ong pha thêm gừng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp đầy đủ các loại vắc xin tiêm chủng theo các phác đồ cập nhật với các loại vắc xin và lịch tiêm chủng. Tất cả các sinh phẩm, vắc xin tại Vinmec đều có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao; được bảo quản trên dây chuyền lạnh theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Khách hàng được thăm khám sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm, đồng thời theo dõi sức khỏe sau tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.