Tổng quan bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng nấm men do các nấm họ Candida, mà phần lớn là do nấm Candida albicans gây nên. Đây là những loại nấm rất phổ biến, sống ở khắp mọi nơi, trên cơ thể người nấm candida thường xuất hiện ở da, vùng miệng, đường tiêu hóa và vùng sinh dục. Thông thường, nấm candida sẽ sống cân bằng với các vi sinh vật khác trên cơ thể mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên, khi gặp các điều kiện thuận lợi, nấm candida sẽ có cơ hội phát triển mạnh và gây bệnh ở nhiều bộ phận khác của cơ thể. Tùy vào vị trí bị nhiễm nấm mà các biểu hiện bệnh sẽ khác nhau. Những bệnh do nhiễm trùng nấm candida gây ra thường là:
- Bệnh tưa miệng: bệnh tưa miệng là tên gọi chung của bệnh nhiễm trùng miệng do nấm Candida albican. Nấm sẽ ảnh hưởng đến các bề mặt ẩm quanh môi, bên trong má, trên lưỡi và vòm miệng.
- Viêm thực quản: nấm candida từ miệng có thể lan sang thực quản, gây viêm thực quản.
- Nhiễm nấm candida ở da: những vùng da thường bị nhiễm nấm là những vùng da ít thông thoáng, hay ẩm ướt như: bàn tay của những người thường xuyên đeo găng tay, vành da ở gốc móng tay ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, khu vực da quanh háng, các nếp nhăn ở mông và các nếp da dưới ngực.
- Nhiễm nấm candida âm đạo là một viêm nhiễm phụ khoa thường gặp. Có trên 75% phụ nữ bị nhiễm nấm candida ít nhất một lần trong đời. Nguy cơ nhiễm nấm candida âm đạo sẽ tăng lên nếu phụ nữ đang có thai hoặc mắc bệnh tiểu đường.
- Nhiễm nấm candida toàn thân: nấm candida có thể xâm nhập vào máu qua vị trí mở khí quản, ống thông khí hoặc vết thương phẫu thuật làm nhiễm trùng máu, từ đó lây lan khắp cơ thể, gây nhiễm trùng nặng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp và những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng.
Các bệnh do nhiễm nấm candida gây ở da, vùng miệng, thực quản và vùng sinh dục tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tình trạng nghiêm trọng là khi nấm candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đây là một tình trạng khẩn cấp cần được can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Các nguyên nhân dẫn đến sự phát triển và gây bệnh của nấm candida là:
- Sử dụng kháng sinh hoặc các thuốc chứa corticoid dài ngày làm mất sự cân bằng hệ vi sinh vật trên cơ thể, tạo điều kiện cho nấm candida phát triển.
- Hệ miễn dịch bị suy yếu, khả năng đề kháng trước các tác nhân gây bệnh giảm đi các đối tượng như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh tiểu đường, người nhiễm HIV/AIDS,…
- Do nấm phát triển ở những nơi có độ ẩm và nhiệt độ cao nên vùng sinh dục không được thông thoáng, bị ẩm sẽ tạo điều kiện cho nấm candida phát triển, gây bệnh.
Triệu chứng bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Tùy thuộc vào vùng bị nhiễm nấm và mức độ nhiễm mà sẽ có các triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp là:
Khi nhiễm nấm candida ở da:da xuất hiện những đốm màu đỏ hoặc màu trắng, những đốm này thường ngứa, rát, đôi khi có thể sưng lên.
Khi nhiễm nấm candida phụ khoa: khi phụ nữ bị nhiễm nấm candida âm đạo sẽ có triệu chứng ngứa, tấy đỏ, nóng rát vùng âm đạo đặc biệt là khi tiểu tiện. Khi quan hệ tình dục sẽ rất đau và khó chịu. Dịch tiết từ âm đạo thường trắng đục và vón cục.
Nam giới cũng có thể bị nhiễm nấm candida khu vực sinh dục, các triệu chứng thường gặp là đau, ngứa, cảm giác châm chích ở đầu dương vật.
Khi nhiễm nấm candida ở miệng, lưỡi thường được gọi là bệnh tưa miệng. Triệu chứng là xuất hiện các mảng trắng như sữa đông bên trong miệng, đặc biệt là trên lưỡi, vòm miệng và xung quanh môi. Nếu cố cạo sạch lớp màu trắng này sẽ thấy lớp niêm mạc bị viêm, đỏ, có thể chảy máu nhẹ.Nướu răng cũng có thể bị lở loét, những mảng đỏ và trắng xuất hiện xung quanh nướu.
Khi nhiễm nấm candida ở thực quản sẽ làm cho việc nuốt khó khăn và đau đơn, có thể gây đau ngực khu vực phía sau xương ức.
Khi nhiễm nấm candida toàn thân: khi nấm candida bị lan vào máu, có thể gây sốt, ớn lạnh, sốc và suy đa tạng.
Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám khi:
Các triệu chứng bệnh xuất hiện trong một tuần nhưng không tự khỏi hoặc các triệu chứng bệnh nặng hơn từng ngày.
Những thương tổn màu trắng xuất hiện trên lưỡi, má trong, vòm miệng. Những tưa miệng dẫn đến các vết loét gây viêm, đau, khó khăn trong ăn uống. Xuất hiện các vết nứt, sưng đỏ ở góc miệng.
Khi cạo hoặc vô tình chạm phải các vết thương trên da có hiện tượng chảy máu.
Vùng kín bị ngứa, rát, dịch ra bị vón cục, màu trắng và có mùi hôi.
Đường lây truyền bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Bệnh nhiễm nấm candida phụ khoa không lây qua đường quan hệ tình dục. Người bệnh có thể bị nhiễm nấm qua đồ dùng, khăn tắm ẩm ướt, quần áo hoặc nhiễm nấm từ hậu môn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Nấm Candida thường sẽ có cơ hội phát triển và gây bệnh ở những đối tượng sau:
Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm nấm Candida, tuy nhiên phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn
Những người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, những người nhiễm HIV/AIDS.
Người sử dụng kháng sinh, thuốc corticoid dài ngày
Người được điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị.
Người giữ vệ sinh cơ thể kém.
Phụ nữ có nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen tăng.
Người đeo răng giả.
Phòng ngừa bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Hầu hết mọi người có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nấm Candida nếu áp dụng các biện pháp sau:
Giữ cho da sạch và khô, tránh mặc quần áo bó sát hoặc đồ lót quá chật. Giữ cho âm đạo luôn sạch và khô thoáng, vệ sinh âm đạo bằng dung dịch vệ sinh phù hợp, chỉ vệ sinh vùng sinh dục ngoài, thụt rửa sâu bên trong âm đạo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm candida hoặc làm tình trạng nhiễm nấm trầm trọng thêm.
Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt: đánh răng hai lần mỗi ngày, súc miệng và họng bằng nước muối ấm, thường xuyên thay bàn chải đánh răng, không dùng chung bàn chải đánh răng với người khác.
Sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Kiểm soát tốt đường máu, đặc biệt ở những bệnh nhân bị đái tháo đường.
Thực hiện lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thể thao để nâng cao thể lực.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Để chuẩn đoán bệnh nhiễm nấm candida các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, chế độ ăn uống, việc sử dụng kháng sinh và các thuốc điều trị khác trong thời gian gần đây. Nếu các triệu chứng nhiễm nấm xuất hiện ở da, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng chăm sóc da, da có thường xuyên tiếp xúc với nước, có bị ẩm, ít thông thoáng quá mức không.
Bác sĩ có thể chuẩn đoán bệnh tưa miệng, nhiễm nấm candida ở da hoặc nhiễm nấm candida âm đạo qua các triệu chứng lâm sàng và các kiểm tra, thăm khám thông thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu từ các vị trí bị nhiễm nấm đi nuôi cấy, xét nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, kiểm tra đường huyết, test HIV,… nếu nghi ngờ các bệnh này là nguyên nhân làm bệnh nhân nhiễm nấm.
Để chuẩn đoán viêm thực quản do nấm Candida, bác sĩ có thể sử dụng nội soi thực quản để quan sát hình ảnh bên trong họng, có thể kết hợp nội soi và lấy mẫu mô từ vùng bị thương tổn để đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Để chuẩn đoán nhiễm nấm candida toàn thân, bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu máu xét nghiệm tìm ra sự phát triển của nấm candida trong máu.
Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men)
Các bệnh nhiễm trùng nấm candida sẽ được điều trị bằng các thuốc kháng nấm. Tùy thuộc vào bộ phận và mức độ nhiễm nấm mà bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc phù hợp.
Nhiễm nấm candida ở miệng: có thể sử dụng nystatin, clotrimazole dạng bôi. Nếu trường hợp nặng, có thể kết hợp thuốc fluconazole hoặc itraconazole dạng uống.
Nhiễm nấm candida ở thực quản: có thể sử dụng thuốc fluconazole, itraconazole đường uống.
Nhiễm nấm candida ở da: giữ da sạch sẽ, khô ráo kết hợp sử dụng các thuốc bôi chứa các thuốc chống nấm như nystatin, miconazole, clotrimazole, ketoconazole.
Nhiễm nấm candida phụ khoa: để điều trị nhiễm nấm candida âm đạo có thể sử dụng Clotrimazole hoặc Miconazole dạng viên đặt để đặt vào âm đạo, kết hợp với thuốc Fluconazole hoặc Itraconazole dạng uống. Có thể sử dụng dung dịch betadin để vệ sinh tại chỗ. Chú ý không dùng các thuốc trên cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, khi sử dụng thuốc không được uống rượu bia, không quan hệ tình dục. Không cần điều trị cho bạn tình trừ khi khi họ có triệu chứng.
Nhiễm trùng nấm candida toàn thần: có thể sử dụng các thuốc chống nấm như Fluconazole, Voriconazole tiêm đường tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân có số lượng bạch cầu thấp có thể thay thế bằng các thuốc Caspofungin hoặc Micafungin.