Nỗi khổ "sống chung với lũ"

(Dân trí) - Họ là những con người đang ngày đêm sát vách thậm chí chung... nhà với các cặp uyên ương đắm chìm trong hạnh phúc sống thử. Lối sống ấy cũng coi là hiện đại rồi, nhưng quả thực, trăm đường "hại điện" đến bạn bè xung quanh.

Thanh là sinh viên năm thứ ba trường TC, sống cùng anh trai. Cuộc sống của hai anh em đang khá hòa thuận, đầm ấm, bỗng một ngày anh trai Thanh đem lòng yêu thương “cô hàng xóm”, tình cảm bị chia sẻ thì không vấn đề gì.

 

Nhưng từ chia sẻ tình cảm đã đến chia sẻ về kinh tế. Hằng ngày, ngoài hai anh em ra, phòng lại có thêm một “nhà báo” - báo ngày ba bữa.

 

Cùng cảnh sinh viên chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn cung của bố mẹ, giờ phải gánh thêm một người mà không dám hé răng kêu. Cô bạn gái từ chỗ sang ăn cơm cùng, rồi ở lại chơi thêm một chút, đến ngủ trưa và...

 

Phòng chỉ có một chiếc giường cho cả hai anh em, giờ có thêm bạn anh nữa Thanh chẳng biết phải xử lý thế nào, đành ca bài “lang thang”. Ngoài giờ học và đi làm thêm ra, Thanh vùi mình trên thư viện đến tận đêm mới về. Về đến nhà tắm rửa qua loa lại phải sang phòng bên tá túc vì giường của mình ông anh trai và bà chị dâu tương lai đang chập chờn giấc mộng.

 

Không giống như Thanh, Lan là sinh viên một trường cao đẳng sống chung với cô bạn nhan sắc khá mặn mà. Cả hai đang tình cảm như chị em ruột thịt thì cô bạn bị mũi tên tình ái của chàng trai ga-lăng phòng bên bắn trúng tim. Họ yêu nhau say đắm đến mức ở bên nhau cả ngày chưa đủ, đêm đêm anh chàng còn mò sang phòng Lan. Lúc đầu họ tế nhị, chờ Lan ngủ say mới “yêu”. Lâu dần họ “quên” luôn trong phòng còn có người, cứ tự nhiên như đó là khoảng trời riêng của hai người vậy.

 

Huyền rơi vào hoàn cảnh khác. Sau hai năm đi làm, cô trở lại Hà Nội để tiếp tục học lên. Thân gái một mình, kinh tế thì eo hẹp nên cô đành giơ mặt đến ở cùng anh trai  hiện đang sống với người yêu.

 

Tuy đã quen nhau, nhưng cuộc sống bất đắc dĩ với người chị dâu chưa chính thức cũng thật phức tạp. Tiền nong Huyền đều biết ý đóng góp làm sao cho khỏi ai bị thiệt, nhưng sự có mặt của cô bỗng nhiên phá vỡ không gian riêng của hai người. Tuy không nói ra nhưng nét mặt thờ ơ lãnh đạm, những cái mạnh tay mạnh chân, những lời quát mắng anh trai của “chị dâu” cũng làm cho Huyền hiểu chuyện.

 

Anh trai Huyền từ lúc nào đã trở thành người nhu nhược, không dám nói hay phê bình ngay cả khi “vợ” có những hành động “quá khích”. Không những thế, hằng ngày Huyền còn phải đối mặt với những cử chỉ âu yếm thái quá của “anh chị” ngay trước mặt mình.

 

Sự chịu đựng của những người “sống chung với lũ” là có giới hạn. Thanh đã nói chuyện thẳng thắn với anh trai và cô bạn của anh để kết thúc cuộc sống vất vưởng “nhà có như không” của mình.

 

Dường như xấu hổ nên cặp uyên ương đã có một cuộc di chuyển lớn - di chuyển “tình yêu” từ phòng Thanh sang phòng “cô hàng xóm”. Cũng từ đó giữa hai anh em Thanh có một khoảng trống vô cùng lớn chẳng thể lấp đầy.

 

Lan không thể tiếp tục sống cùng cô bạn vì những việc ngang tai trái mắt ngày càng diễn ra với “tốc độ” nhanh hơn, “cường độ” mạnh hơn, cô quyết định chuyển chỗ ở.

 

Huyền cũng có lúc nói với anh trai nên “dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về” nhưng anh vì quá yêu nên chẳng để ý, Huyền mỏi mệt ra đi tìm cho mình một nơi trú chân mới. 

 

Các bạn trẻ, có thể bạn mang quan niệm sống hiện đại, nhưng hãy biết tôn trọng những người xung quanh. Việc sống thử của các bạn chưa hẳn tất cả mọi người đều ủng hộ. Xin thử một lần đặt mình vào địa vị những người đang “sống chung với lũ” để hiểu, thông cảm cho họ và nắn lại cách sống của mình cho phù hợp với hoàn cảnh hơn.

 

Xuân Khang

Dòng sự kiện: Sống thử