Sống thử - Cần kỹ năng kỳ diệu của tình yêu
Chúng tôi rất nghèo, một trong những cặp sinh viên nghèo nhất ĐHNTHN hồi ấy. Chúng tôi sống chung với nhau suốt quãng đời sinh viên. Chúng tôi không coi đó là sống thử mà là sống thật, vì từ khi yêu nhau (khi đi ôn thi), chúng tôi đã ở gần nhau, rồi ở với nhau.
Tôi từng làm “nghề” xe ôm, gia sư, trông xe đạp ở nhà hàng thời trang...; bạn gái tôi cũng vừa đi học vừa làm gia sư. Thời gian chúng tôi “đầu tư” vào học và làm thêm chiếm đa số nên về nhà, ở bên nhau chúng tôi rất trân trọng những giây phút ấy.
Cô ấy luôn làm tốt việc “nhà”: Từ nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc tôi... Ngoài ra cô ấy còn có một lợi thế nữa là luôn ủng hộ tôi, động viên, khích lệ tôi. Tuy cuộc sống vật chất hơi chật vật nhưng cô ấy luôn hướng cho tôi nhìn về tương lai bằng những câu nói: “Anh thật chăm chỉ. Anh thật đáng yêu, Bạn em bảo sau này anh sẽ rất thành đạt...”. Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu nói của cô ấy, nhưng tôi thấy rất vui vẻ, lạc quan và luôn phấn đấu.
Có hai điều cô ấy quán triệt với tôi: “Làm việc và học hành phải chăm chỉ; sống phải thương yêu nhau”. Hai quy tắc sống có vẻ cứng nhắc ấy nhưng cô ấy đã thể hiện nhuần nhuyễn dễ chịu, dễ làm, dễ thực hiện.
Có một lần tôi đã đắm mình trong hạnh phúc khi cô ấy rủ rỉ vào tai tôi trong một ngày tôi chuốc về tất cả thất bại: “Anh chăm chỉ, học giỏi, yêu chân thành - em coi anh là thần tượng đấy”. Trong tôi trào lên cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm.
Cứ thế tôi được trân trọng, được yêu thương trong căn phòng trọ ấy. Chuyện ấy của chúng tôi đã diễn ra êm ả như nhung, không một lời trách móc ân hận. Nếu ai khẳng định, đã làm chuyện ấy với nhau rồi thì nhanh chán nhau thì đó là quan điểm nhầm, ít nhất là đối với chúng tôi.
Tôi nói lan man như thế để thấy vai trò dẫn dắt và điều khiển gia đình của cô ấy giỏi đến thế nào. Cách dẫn dắt ấy không phải là nghệ thuật, là biểu diễn mà nó được chắt ra từ tấm lòng của người con gái dạt dào yêu thương, vị tha, nhân ái và bản lĩnh. Những biểu hiện ấy thật và đáng yêu đến không thể không mềm lòng.
Mỗi lần tôi nổi cáu, mỗi lần tôi ghen tuông, mỗi lần tôi gặp thất bại... cô ấy lại chủ động giải quyết. Cuộc sống ở nhà ngăn nắp và yên bình đến mức tôi chỉ biết lao đầu vào học, lao đầu vào làm thêm để làm sao không phụ lòng cô ấy.
Cô ấy là con gái của một gia đình nhà giáo nghèo ở Hải Phòng - tôi quê Quảng Bình. Bây giờ cô ấy đã là vợ tôi. Trong số “kỹ năng” mà cô ấy áp dụng, tôi bái phục một việc.
Chúng tôi cùng khóa (tôi học đi muộn nên hơn cô ấy 3 tuổi). Năm 2002, chỉ còn thời gian ngắn nữa là tốt nghiệp, tôi được một anh bạn học ở Nhật về mở Cty mời tôi về làm việc, với mức lương đủ để cưới vợ. Khi đó, tôi và cô ấy vẫn ở với nhau. Tôi đề nghị muốn về quê để đặt vấn đề cưới cô ấy. Cô ấy cười hạnh phúc: “Cưới em đơn giản thế à? Từ trước đến nay bố em vẫn bảo, quê anh ở xa quá. Muốn cưới mình phải thuyết phục bố mẹ...”. Và một kế hoạch chinh phục bố mẹ đã diễn ra.
Chúng tôi đi tìm thuê một ngôi nhà khá đẹp, vay tiền mua tủ lạnh, TV... tất cả trông cũng khang trang. Theo kế hoạch, chúng tôi mời bố cô ấy về “tham quan”. Không gian thoáng mát, nhà cửa sạch sẽ... trông bố cô ấy có vẻ hài lòng.
Trong bữa cơm, cô ấy thưa với bố: “Chúng con định cưới nhau...”. Cô ấy dừng lại để nghe thêm ý kiến của bố. Bố ngập ngừng, cô ấy tiếp: “Chúng con sẽ ở đây với nhau, cho đến khi mua được nhà. Anh ấy ở Quảng Bình nhưng đã có việc làm ở đây, sẽ quyết mua nhà ở đây. Vì con bố ạ...”.
Bữa cơm hôm ấy bố bị con gái “tấn công toàn diện”. Ông đi từ bất ngờ đến đồng tình, rồi đứng hẳn về “phe” chúng tôi. Ông nói với tôi: “Thấy cháu thương yêu nó nên bác cũng yên tâm. Thôi, xa cũng không sao!”.
Xong bước một, cô ấy trình bày kế hoạch lấy lòng các bác dưới nhà và tính cả chuyện đi lại, lễ lạt, cưới hỏi... Cô ấy kiên trì, nhẫn nại trình bày và cuối cùng, bố kết luận: “Cũng đơn giản nhỉ! Thế mà bố không nghĩ ra. Tức là gặp nhau ba lần: Một lần bố mẹ hai bên gặp nhau; một lần gặp nhau đại diện hai họ để xin dạm ngõ; một lần ăn hỏi dưới này rồi lên Hà Nội tổ chức đám cưới chung cả nhà trai lẫn gái... Hay đấy! Yên tâm, bố sẽ chủ trì họp gia đình để nói cho mọi người hiểu, thông cảm và vui vẻ chấp nhận”.
Tôi tỏ ra xấu hổ vì đáng lẽ việc này tôi phải dàn xếp, thì cô ấy bảo: “Em hiểu bố mẹ em hơn anh nên em làm mới đúng. Sau này về Quảng Bình anh đỡ cho em, vì có nhiều điều em còn bỡ ngỡ...”.
Đám cưới chúng tôi diễn ra tại khách sạn ở Hà Nội, giờ đây chúng tôi đã có con trai 3 tuổi khỏe mạnh. Thời sinh viên sống với nhau như vợ chồng là kỷ niệm không bao giờ quên đối với chúng tôi. Với tôi, sống thử phải có kỹ năng nhưng trên hết phải là trách nhiệm. Đơn giản mà cũng phức tạp, phức tạp mà cũng rất đơn giản thôi, nếu có tình yêu!
Theo Trương Công Hoan
Tiền Phong