1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Từ phát ngôn "cay đắng" của HLV Park tới hiện thực bóng đá Việt Nam

H.Long

(Dân trí) - HLV Park Hang Seo đã thốt lên: "Chưa bao giờ tôi thấy kiếm một điểm khó đến vậy!". Khi vòng loại thứ ba World Cup 2022 đã đi được nửa chặng đường, đội tuyển Việt Nam đã hiểu mình đang ở đâu…

Có một hình ảnh khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam "nhói lòng" sau trận đấu với Nhật Bản. HLV Park Hang Seo đứng chết lặng, tựa vào cabin huấn luyện, với ánh mắt nhìn xa xăm. Đó thực sự là cảm giác bất lực trước điều gì đó.

Từ phát ngôn cay đắng của HLV Park tới hiện thực bóng đá Việt Nam - 1

HLV Park Hang Seo chết lặng và thừa nhận giành 1 điểm là vô cùng khó khăn.

"Cuộc đời bóng đá của tôi bây giờ mới hiểu việc giành một điểm khó thế nào" - vị HLV người Hàn Quốc thừa nhận trong buổi họp báo. Và quả thực, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được cảm giác của HLV Park.

Công bằng mà nói, đội tuyển Việt Nam lại chơi một trận không tệ. Thậm chí, cần phải ghi nhận những nỗ lực của toàn đội trước một đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Chỉ có điều, kết quả thì vẫn vậy. Lần thứ 5 liên tiếp, chúng ta hứng chịu thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Trận đấu với Nhật Bản khá giống với kịch bản gặp Australia. Chúng ta chỉ chịu thua bởi một bàn duy nhất và từng có thời điểm dồn lên để hướng tới bàn thắng.

Nhưng có lẽ, rào cản vô hình mang tên đẳng cấp luôn là thứ ngăn chặn bước tiến của thầy trò HLV Park Hang Seo. Cũng như Australia, Nhật Bản không hẳn quá áp đảo đội tuyển Việt Nam nhưng họ lại hơn hẳn về đẳng cấp.

Điều này đã được nhà báo Gabriel Tan của tờ ESPN đề cập tới: "Đội tuyển Việt Nam chỉ lóe sáng rồi nhanh chóng vụt tắt. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong những trận đấu vừa qua".

Vậy đội tuyển Việt Nam thua kém đẳng cấp so với đối thủ ở chỗ nào?

Bản đồ nhiệt dưới đây chỉ ra rằng thực tế, đội tuyển Việt Nam chỉ làm tốt ở nhiệm vụ phòng ngự và một phần nào đó là khu vực giữa sân. Còn lại, sự uy hiếp của các ngôi sao tấn công Việt Nam trước Nhật Bản gần như là không có.

Từ phát ngôn cay đắng của HLV Park tới hiện thực bóng đá Việt Nam - 2

Bản đồ nhiệt cho thấy đội tuyển Việt Nam không có sự uy hiếp nào ở 1/3 sân của Nhật Bản.

Từ phát ngôn cay đắng của HLV Park tới hiện thực bóng đá Việt Nam - 3

Đội tuyển Việt Nam chỉ hoạt động 13,7% ở 1/3 sân của Nhật Bản.

Thống kê cho thấy, chỉ có 13,7% tầm hoạt động của đội tuyển Việt Nam ở khu vực 1/3 sân đối thủ (57,1% ở giữa sân, 29,2% ở 1/3 sân nhà). Bên cạnh đó, chúng ta chỉ kiểm soát được 33,1% thời lượng trận đấu. Với con số ít ỏi như vậy, việc "Những chiến binh sao vàng" không thắng cũng là điều dễ hiểu.

Nên nhớ, trong hiệp 1, những chỉ số này của đội tuyển Việt Nam tốt hơn so với hiệp 2. Ở hiệp 1, chúng ta kiểm soát 41,2% thời lượng và tầm hoạt động lên tới 14,8% ở khu vực 1/3 sân của đối thủ.

Rõ ràng, điều Nhật Bản làm được đó là việc hạn chế tầm nguy hiểm tới mức tối đa ở thời điểm đội tuyển Việt Nam dồn lên. Thực tế, những cơ hội của đoàn quân HLV Park Hang Seo chủ yếu từ những cú sút xa. Khả năng tiếp cận khung thành của Nhật Bản là rất thấp.

Tỷ số 1-0 có thể là chấp nhận được với đội tuyển Việt Nam nhưng ở góc nhìn "cầu tiến" hơn, chúng ta còn cách chiến thắng quá xa, như những gì Oman đã làm được trước Nhật Bản ở lượt đấu đầu tiên.

Và còn một điều đáng lo hơn thế. Đó chính là việc đội tuyển Việt Nam đang đi theo một lối mòn đầy nguy hiểm. Một chi tiết chỉ ra điều này, đó là cách sử dụng Phan Văn Đức trong trận đấu hôm qua. Ông tung cầu thủ này vào sân ở đầu hiệp 2, rồi vội vã rút anh ra chỉ sau vài chục phút thi đấu.

Trong những trận đấu vừa qua, Văn Đức không có phong độ tốt và thi đấu khá thất vọng. Nhưng sự lựa chọn của HLV Park gần như là mặc định bởi trong tay ông có quá ít nhân sự chất lượng để "làm mới".

Từ phát ngôn cay đắng của HLV Park tới hiện thực bóng đá Việt Nam - 4

Việc không có nhiều nhân sự mới, khiến cho đội tuyển Việt Nam (đặc biệt là hàng công) trở nên cũ kỹ và dễ nắm bắt.

Đơn cử như việc hàng công của đội tuyển Việt Nam chỉ xoay quanh những cái tên như Tiến Linh (gần như có sự cạnh tranh ở vị trí tiền đạo cắm) hay Công Phượng, Văn Toàn được luân phiên sử dụng.

Trong đợt tập trung này, HLV người Hàn Quốc đã triệu tập 9 cầu thủ của đội U23 Việt Nam lên đội tuyển. Thế nhưng, dường như những sự lựa chọn ấy chỉ giúp cho những cầu thủ như Hồ Thanh Minh, Văn Đạt… tích lũy kinh nghiệm, chứ để kỳ vọng thay thế những ngôi sao hàng công là rất thấp.

Chứng kiến màn trình diễn nhạt nhòa của U23 Việt Nam ở vòng loại giải U23 châu Á vừa qua, không ít người cảm thấy lo lắng cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Nếu không thể làm mới, chúng ta sẽ bước vào lối mòn, khi tính bất ngờ đã qua đi.

Có một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta chẳng có gì bào chữa trong 5 trận thua vừa qua. Nó cho thấy trình độ của đội tuyển Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với trình độ của những đội top đầu châu Á. Điều này không có gì bất ngờ khi ngay cả Thái Lan từng thống trị bóng đá Đông Nam Á thời Kiatisuk cũng thua liểng xiểng khi bước ra "biển lớn" ở châu lục.

Những trận thua vừa qua cho thấy chúng ta đang ở đâu ở châu lục. Nó cũng là khoảng lặng cần thiết để toàn đội có thể nhìn lại mình sau những năm tháng thành công rực rỡ dưới thời HLV Park Hang Seo.

Tới lúc, đội tuyển Việt Nam hiểu được rằng 1 điểm ở đấu trường châu lục khó tới chừng nào. Nhưng vì điểm số lịch sử ấy, người ta đang chờ đợi hình ảnh tươi mới và nỗ lực hơn nữa từ đội bóng của HLV Park Hang Seo trong chặng đường lượt về.

Từ phát ngôn cay đắng của HLV Park tới hiện thực bóng đá Việt Nam - 5