Sự cố sân Thống Nhất và hình ảnh V-League trong mắt người hâm mộ
(Dân trí) - Đội Long An đáng bị xử lý. Phạt đội này, thậm chí phạt nặng cũng không khó. Cái khó nhất ở đây là những nhà tổ chức V-League và những nhà điều hành bóng đá Việt Nam lấy gì để tìm lại niềm tin nơi người hâm mộ.
Hành vi bỏ trống khung thành, quay lưng lại với đối phương, thiếu tích cực trong thi đấu của các cầu thủ đội Long An là hành vi không thể bào chữa. Xử lý đội bóng miền Tây Nam bộ cho đến thời điểm này cũng không phải là điều quá khó, bởi những cá nhân và lỗi vi phạm của họ đã rành rành.
Cái khó nhất đối với những người điều hành giải đấu và những nhà quản lý bóng đá nội ở đây là làm gì để khôi phục niềm tin của người hâm mộ? Làm gì để mang khán giả trở lại với các sân bóng, sau quá nhiều sự cố diễn ra hết tuần này đến tuần khác?
Để xảy ra sự cố của đội Long An tối 19/2 không thể không nói đến trách nhiệm của những người đang quản lý giải đấu và đang quản lý bóng đá nội.
Người ta kêu gọi ý thức của các cầu thủ, của thành viên các đội bóng, nhưng không có biện pháp cụ thể để xây dựng ý thức đấy. Người ta nói suông cầu thủ cần tôn trọng người xem, nhưng lại không có biện pháp kỹ thuật để tăng sự tôn trọng đấy.
Người ta cổ vũ cho việc các đội bóng và một số ông bầu mở cửa tự do ở các sân vận động, cho người hâm mộ vào xem miễn phí, nhưng quên mất rằng bóng đá chuyên nghiệp không thể sống bằng sự miễn phí.
Bóng đá chuyên nghiệp là phải bán vé, bán vé càng đắt thì trách nhiệm của cầu thủ với chiếc vé được bán ra càng cao. Cầu thủ khi đó phải có trách nhiệm đá cho đúng với giá trị của chiếc vé mà họ buộc CĐV phải mua để xem họ thi đấu.
Đằng này, càng miễn phí thì các đội bóng, giới cầu thủ càng xem thường khán giả, kiểu đá sao cũng được vì đằng nào cũng chẳng thu thêm được tiền từ những người vào sân. Miễn phí cũng tức là không có trách nhiệm tái đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ bóng đá.
Nếu như trong trận đấu trên sân Thống Nhất tối 19/2, các cầu thủ Long An ý thức được rằng họ phải đá vì những chiếc vé được bán cho khán giả, chính là nguồn nuôi sống họ, là một phần trong quỹ lương mà họ nhận hàng tháng, tin rằng thái độ của cầu thủ sẽ khác. Lúc đấy, chẳng ai dám bỏ khách hàng của mình đâu!
Người điều hành giải đấu và người điều hành nền bóng đá kêu gọi các đội bóng tôn trọng luật chơi, nhưng họ đã tạo được môi trường cạnh tranh sòng phẳng với các thành viên tham dự giải hay chưa?
Hãy nghe HLV của chính độ Long An, ông Ngô Quang Sang bộc bạch: “Chúng tôi sai, chúng tôi sẵn sàng chịu phạt, sẵn sàng chấp nhận mọi án phạt có thể được đưa ra. Nhưng phần thiệt thòi của chúng tôi là rất lớn, trong khi nếu trọng tài sai, họ cùng lắm bị đình chỉ vài trận, rồi quay lại hành nghề tiếp”.
Tức là trong mắt các đội bóng, họ không thấy sự công bằng, nên họ dễ đi đến những phản ứng thiếu kiềm chế. Mà họ nhận xét không phải không có lý đâu. Giới trọng tài sai bị phạt thì đã đành, có người sai rành rành mà vẫn chễm chệ làm quan ở giới này từ mùa này sang mùa khác, bỏ sót lỗi mà vẫn chễm chệ ngồi ghế giám sát từ vòng nọ sang vòng kia.
Thế thì, trong mắt các đội bóng, lấy gì để họ tin trọng tài? Lấy gì để họ tin sự công bằng ở sân chơi mà họ đang tham gia? Mà phàm đã không tin nhau thì người ta dễ phản ứng với nhau!
Kim Điền