1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Yếu tố quyết định có thể giúp Nga định đoạt cục diện chiến sự tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định rằng, Nga đang nắm giữ một yếu tố quan trọng mang lại lợi thế hơn trước Ukraine trong cuộc chiến đã kéo dài qua mốc 100 ngày.

Yếu tố quyết định có thể giúp Nga định đoạt cục diện chiến sự tại Ukraine - 1

Đoàn xe quân sự của lực lượng dân quân thân Nga di chuyển tại Mariupol, Donbass hôm 21/4 (Ảnh: Reuters).

Khi khủng hoảng Nga - Ukraine đã kéo dài tới tháng thứ 4 và chuyển thành một cuộc chiến tiêu hao nguồn lực, giới chuyên gia nhận định rằng, Moscow đang có lợi thế lớn trước Kiev trong một yếu tố quan trọng: Thời gian.

Ngày 24/2, khi Nga thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giới quan sát hầu hết đã đưa ra kịch bản rằng Moscow có thể "đánh nhanh, thắng nhanh". Những dự đoán này hoàn toàn có cơ sở vì Nga sở hữu quân đội với uy lực mạnh vượt trội đối thủ, áp đảo về nhiều mặt như gấp đôi Ukraine về lực lượng mặt đất, gấp 10 lần về số máy bay quân sự và gấp 5 lần về số xe thiết giáp chiến đấu.

Tuy nhiên, sau vài chục ngày đầu của giai đoạn 1, dù kiểm soát được nhiều khu vực nhưng Nga cũng chịu tổn thất trước đòn phản công của Ukraine với vũ khí do phương Tây hỗ trợ. Theo giới quan sát, việc Nga chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh" có thể không còn là mục tiêu hợp lý và khi họ công bố giai đoạn 2 của chiến dịch tập trung vào Donbass, họ có thể đã thay đổi chiến thuật.

Các chuyên gia nhận định, còn quá sớm để có thể kết luận rằng việc Nga thu hẹp mục tiêu chiến sự nghĩa là họ không đạt được thành công với chiến dịch đặc biệt. Trên thực tế, Nga đã kiểm soát một phần lãnh thổ quan trọng của Ukraine, tạo hành lang trên bộ nối giữa đất liền Nga qua 2 vùng ly khai Đông Ukraine, vùng Kherson ở Nam Ukraine và bán đảo Crimea. Ukraine thừa nhận, Nga hiện đang kiểm soát 20% diện tích nước này.

Tại Donbass, Nga đã gần như kiểm soát được toàn bộ khu vực và đang giằng co với Kiev ở một số điểm nóng. Nga có lợi thế áp đảo về hỏa lực và điều này giúp họ đạt được những bước tiến quan trọng trên chiến trường.

Nga nhiều lần khẳng định họ cố tình giảm tốc chiến dịch quân sự để mở đường cho thường dân di tản khỏi các khu vực chiến sự, cũng như đảm bảo an toàn cho lực lượng trên tiền tuyến. Điều đó chứng minh một điều rằng, Nga có thể không muốn gấp gáp mà đang muốn tận dụng thế mạnh của họ là yếu tố thời gian.

Bài toán thời gian

Yếu tố quyết định có thể giúp Nga định đoạt cục diện chiến sự tại Ukraine - 2

Quân nhân Ukraine ở khu vực Bucha, ngoại ô Kiev (Ảnh: Reuters).

Trên thực tế, Ukraine hiện là bên muốn kết thúc cuộc chiến sớm vì các áp lực từ cả trong vào ngoài dồn vào họ. Ukraine hiểu rằng, địa hình thông thoáng ở miền Đông sẽ là bất lợi cho họ nếu so với việc tác chiến trong đô thị để chống lại lực lượng Nga như ở giai đoạn 1. Đó chính là lý do vì sao Ukraine trong những ngày qua thúc giục phương Tây viện trợ vũ khí hạng nặng hơn và tầm xa hơn. Thời gian đang không đứng về phía Ukraine và họ cần vũ khí "thay đổi cuộc chơi" để đẩy lùi lực lượng Nga đang cố vây bọc ở Donbass.

Mặt khác, việc phương Tây tham gia gián tiếp vào chiến sự Nga - Ukraine thông qua viện trợ Kiev cũng gây ra áp lực cho các nước này. Giá năng lượng tăng phi mã, chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt, lạm phát kỷ lục trong nhiều thập niên diễn ra ở Mỹ và các nước châu Âu đang đặt phương Tây vào thế khó.

Câu hỏi đặt ra là phương Tây sẽ chịu đựng được bao lâu và có thể hỗ trợ Ukraine thêm bao nhiêu thời gian nữa, khi chính phủ các nước này cũng đang chịu áp lực từ trong nước để giải quyết các vấn đề trong nước? Mặt khác, các thông tin gần đây cho thấy, một số quốc gia ở NATO đã bắt đầu cạn kiệt vũ khí viện trợ cho Ukraine. Họ khó có thể lấp đầy kho khí tài trở lại trong thời gian ngắn, trong khi vừa đảm bảo đủ vũ khí để gửi cho Ukraine và cũng phải để lại đủ dự trữ để lo cho an ninh của chính họ. Cuộc chiến càng kéo dài, cục diện bất lợi cho Ukraine càng rõ ràng hơn.

Trong khi đó, dù Nga cũng chịu hàng loạt khó khăn do "bão" trừng phạt từ phương Tây, nhưng nhìn chung chính phủ Tổng thống Vladimir Putin chịu ít áp lực hơn so với phía Ukraine. Dư luận Nga có sự ủng hộ nhất định với lập trường của ông Putin khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Mặt khác, Nga vẫn đứng tương đối vững trước các lệnh trừng phạt phương Tây cho tới lúc này dù tổn hại là không nhỏ. 

Ông Nikolai Patrushev, Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố rằng, lực lượng Moscow sẽ không "chạy theo các thời hạn" ở Ukraine. Phát ngôn này cho thấy Nga có thể vẫn đang bỏ ngỏ thời điểm kết thúc chiến dịch quân sự cho tới khi các mục tiêu của họ đều đạt được. Ukraine trong khi đó chịu áp lực nếu chiến sự kéo dài khi kinh tế của họ bị suy giảm, và nỗi lo ngại rằng các nước phương Tây có thể sẽ giảm viện trợ.

Theo các chuyên gia, yếu tố quyết định trong chiến sự Nga - Ukraine chính là thời gian và ai là bên chịu được cuộc chiến tiêu hao này lâu hơn sẽ là bên định đoạt cục diện chiến sự.

Theo Tổng hợp
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine