1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Yêu cầu các nhãn hàng nước ngoài tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các hãng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, sau khi các thương hiệu thời trang dùng bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp.

Yêu cầu các nhãn hàng nước ngoài tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số hãng thời trang quốc tế sử dụng bản đồ có "đường lưỡi bò" trên các trang web tiếng Trung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông".

"Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", Thu Hằng khẳng định.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, "mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông".

Trên website tại thị trường Trung Quốc, một số nhãn hiệu thời trang quốc tế đã sử dụng bản đồ có "đường lưỡi bò", hay còn gọi là "đường chín đoạn" phi pháp. "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra nhằm đòi hỏi yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích Biển Đông.

Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan đã bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trong phán quyết năm 2016. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn ngang nhiên không công nhận phán quyết này.