"Đường lưỡi bò" Trung Quốc "núp" hàng hiệu: Chiêu thức cũ nhưng thâm hiểm
(Dân trí) - Sau khi một loạt nhãn hiệu thế giới tại Trung Quốc sử dụng hệ điều hành Trung Quốc có bản đồ định vị vệ tinh, chỉ dẫn địa lý có "đường lưỡi bò" phi pháp, nhiều chuyên gia Việt đã lên tiếng, phản ứng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: "Các thương hiệu quốc tế đang đứng ở lựa chọn khó khăn nhưng họ cần được biết thị trường Việt đang là thị trường tiêu thụ khá lớn cùng với ASEAN, chúng ta lại được nhiều nước khác ủng hộ".
TS. Thành cho rằng, Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ để các tập đoàn quốc tế hiểu rõ vấn đề, việc lợi dụng sản phẩm toàn cầu để cài cắm những yêu sách phi pháp là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo nguyên Viện trưởng Viện CIEM, là doanh nghiệp, việc trăn trở với bài toán lợi nhuận là điều dễ hiểu, nhưng đây là lựa chọn không dễ dàng với họ.
"Ngay về mặt xúc cảm, nhiều nước đang ủng hộ Việt Nam. Bản thân người tiêu dùng ở nước khác họ cũng phản ứng khá tiêu cực đối với nhãn hiệu đấy. Đứng về mặt chính trị, các lãnh đạo châu Âu, Mỹ cũng rất nhạy cảm đối với vấn đề đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng điều này để đưa ra đối sách", ông Thành cho biết.
Cũng trao đổi vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng: "Việt Nam cần nói rõ thông tin cho doanh nghiệp biết các thủ đoạn đồng thời cần phản đối trước những thủ đoạn xấu về chủ quyền phi pháp đang bị chính cộng đồng quốc tế lên án, tẩy chay".
"Hiện chúng ta đã và đang tham gia vào hàng loạt FTA song, đa phương, đặc biệt là tại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nơi mà Trung Quốc là thành viên sáng lập. Chúng ta hoàn toàn có lý do để đưa ra phản ứng khi họ vi phạm luật chơi, lợi dụng sản phẩm kinh tế để tuyên truyền thô bạo các vấn đề chủ quyền phi pháp", ông Phú nói.
Ông Phú cho rằng, bằng chứng của Việt Nam đối với vấn đề chủ quyền biển, lãnh hải là không thể tranh cãi và được quốc tế ủng hộ.
Về góc độ người tiêu dùng, ông Phú nói bên cạnh việc phản đối, thậm chí tẩy chay để cho doanh nghiệp biết được giá trị của thị trường Việt, người tiêu dùng Việt, mỗi người dân là một kênh thông tin, kiểm soát sản phẩm từ Trung Quốc. Họ cần kiên quyết loại bỏ các loại sản phẩm có gắn chủ quyền phi pháp, xâm phạm thô bạo vào từng tấc đất, hải đảo của Việt Nam.
Cũng theo ông Phú, các cơ quan chức năng cần kiên quyết cấm, tịch thu thậm chí loại trừ doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm có chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Việt Nam.
"Đây là thủ đoạn cũ nhưng mà thâm hiểm hơn, bởi vì trong môi trường thương mại điện tử, các loại phần mềm có thể được truyền tải xuyên biên giới. Các sản phẩm, thiết bị điện tử hoặc công nghệ có thể là công cụ để truyền tải, phát tán thông tin độc hại", ông cho hay.
Đặc biệt, để bảo vệ đất nước, ông Phú cho rằng không chỉ tẩy chay những sản phẩm ngoại cố tình bắt tay tuyên truyền thông điệp phi pháp, người tiêu dùng cần tin yêu hàng nội có chất lượng có uy tín và coi đây là một trong những hành động vì đất nước, vì doanh nghiệp dân tộc.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Thêu đan TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp ngành thêu đan, may mặc tại TP.HCM không làm gia công hoặc chấp nhận làm gia công cho những thương hiệu quốc tế có sử dụng các chỉ dẫn địa lý đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, với tiềm lực của nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, gia công nhiều sản phẩm quốc tế, quy mô tiêu dùng lên đến hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tiêu dùng toàn cầu. Dựa vào lợi thế này, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý đối với các tập đoàn xuyên quốc gia.
Một trong những yêu sách này là các chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hay bản đồ định vị sản phẩm của nhiều thương hiệu sử dụng hệ điều hành nội địa Trung quốc phải chấp nhận đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.