1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thực hư thông tin Trung Quốc yêu cầu H&M sửa bản đồ "có vấn đề"

Đức Hoàng An Bình

(Dân trí) - Giới chức Trung Quốc yêu cầu hãng thời trang H&M chỉnh sửa một bản đồ trên trang web vì nó "có vấn đề". Tuy nhiên, không rõ vấn đề cần chỉnh sửa là gì và H&M cũng chưa lên tiếng bình luận về vụ việc.

Thực hư thông tin Trung Quốc yêu cầu HM sửa bản đồ có vấn đề - 1

Một cửa hàng H&M ở Hong Kong, Trung Quốc (Ảnh: AP).

"Bản đồ có vấn đề"

ABC News ngày 2/4 dẫn thông báo của chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đưa tin, họ đã yêu cầu H&M sửa "tấm bản đồ Trung Quốc có vấn đề" đặt trên trang web của hãng thời trang Thụy Điển.

Thông báo cho biết, người dùng internet đã phát hiện ra vấn đề và báo cho ban quản trị trang web của H&M và Sở quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải đã phát lệnh yêu cầu hãng thay đổi nó. Thông báo nói rằng H&M đã có các hành động cần thiết để giải quyết vấn đề, theo Thời báo phố Wall.

Cũng theo thông báo trên, H&M còn được yêu cầu nghiên cứu các luật khác nhau của Trung Quốc, "nâng cao nhận thức về vấn đề lãnh thổ và đảm bảo thực chất việc sử dụng bản đồ Trung Quốc được chuẩn hóa".

Chưa có thông tin chính thức về chi tiết mà Trung Quốc không hài lòng trên tấm bản đồ và yêu cầu H&M sửa chữa. 

Tuy nhiên, theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, trên mạng xã hội Weibo, một bản đồ từ một bài báo trước đó của Nhân dân Nhật báo cho thấy cái gọi là "đường 9 đoạn" phi pháp - mà Trung Quốc sử dụng để đơn phương đòi chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông - được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh làn sóng căng thẳng H&M đang đối mặt ở Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt. Trong những ngày qua, hãng thời trang này đã bị cư dân mạng Trung Quốc phản ứng dữ dội vì từng đưa ra bình luận bày tỏ quan ngại về chính sách của chính quyền Bắc Kinh ở Tân Cương hồi năm ngoái.

Theo news.com.au, Đoàn thanh niên của đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã kêu gọi tẩy chay H&M. Các sản phẩm của H&M đã biến mất khỏi các trang mua sắm trực tuyến lớn tại Trung Quốc. Hãng này đã biến mất bí ẩn trên các ứng dụng và bản đồ tại Trung Quốc hồi tuần trước. Hãng không xuất hiện trên ứng dụng gọi xe Didi Chuxing hoặc các dịch vụ bản đồ do Alibaba và Baidu vận hành. Nó cũng biến mất trên các nền tảng mua bán trực tuyến. Không rõ liệu các công ty được lệnh xóa sự hiện diện trực tuyến của H&M, hay họ đã tự hành động.

H&M hiện có khoảng 520 cửa hàng thời trang bán lẻ trên khắp Trung Quốc.

H&M chưa phản hồi 

Theo Reuters, H&M cho tới chưa phản hồi các cuộc điện thoại cũng như email đề nghị bình luận về vụ việc "bản đồ có vấn đề". Cho tới nay, H&M mới chỉ phản hồi chính thức liên quan tới vấn đề Tân Cương.

Trong những ngày qua, H&M đã bị vướng vào một cuộc tranh cãi quốc tế ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây về các cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan tới người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Hồi tuần trước, H&M cho biết hãng này sẽ hành động để lấy lại niềm tin tại Trung Quốc sau khi một tuyên bố mà hãng này đưa ra hồi năm 2020 bị "khui" lại trên mạng xã hội. Trong tuyên bố năm ngoái, hãng bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới bày tỏ lo ngại về các cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương và sẽ không mua bông sản xuất ở đó.

Trong một tuyên bố vào tuần này, H&M ca ngợi các nhà cung cấp Trung Quốc và cho biết họ đang "thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến tìm nguồn cung nguyên liệu" nhưng không tiết lộ về các động thái tiềm tàng để xoa dịu giới chức Trung Quốc.

Chưa rõ vì sao H&M bị tẩy chay mạnh mẽ như vậy, nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thụy Điển đã căng thẳng từ năm 2005 sau khi một nhà xuất bản người Thụy Điển sinh tại Trung Quốc mất tích ở Thái Lan và tái xuất ở Trung Quốc.

Trung Quốc dùng "lá bài" để gây sức ép với các công ty nước ngoài

Theo AP, giới chức Trung Quốc đã chỉ trích H&M, Nike và các thương hiệu giày dép và quần áo khác của phương Tây gần đây, sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đồng loạt áp đặt các lệnh trừng phạt về tài chính và đi lại đối với các quan chức Trung Quốc liên quan tới các cáo buộc lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương.

Truyền thông chính thức tại Trung Quốc đã chỉ trích Nike, Burberry, Adidas và Uniqlo vì bày tỏ lo ngại đối với các báo cáo về tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Hàng chục ngôi sao Trung Quốc đã phải rút khỏi các hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu nước ngoài.

Các công ty nước ngoài đã bị gây sức ép để thay đổi các bản đồ theo hướng có lợi cho Trung Quốc, liên quan tới các vấn đề Đài Loan, biên giới Trung Quốc với Ấn Độ, hay bản đồ Biển Đông.

Theo AP, Bắc Kinh đã dùng "lá bài" việc tiếp cận với thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc làm đòn bẩy để gây sức ép với các thương hiệu nghiêng theo các quan điểm chính thức của nước này. 

Theo báo Nine của Australia, các nhà quản lý ở Trung Quốc có quyền lực lớn nhằm trừng phạt các công ty nếu họ không ủng hộ chính sách chính thức của nước này.

Giới chức Trung Quốc cảnh báo rằng "thời kỳ bắt nạt" của các cường quốc nước ngoài đã qua rồi. Người phát ngôn chính quyền Tân Cương Xu Guixiang thậm chí còn dọa rằng các công ty nước ngoài dùng "gậy trừng phạt" đối với Tân Cương sẽ chỉ làm tổn thương chính họ.

Dòng sự kiện: H&M và những lùm xùm