1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí "sát thủ tàng hình" của Nga vô hiệu tiêm kích Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Nga cho biết vũ khí tác chiến điện tử (EW) Krasukha của nước này từng khiến tiêm kích của Ukraine phải quay đầu trở về vì bị vô hiệu hoàn toàn.

Vũ khí sát thủ tàng hình của Nga vô hiệu tiêm kích Ukraine - 1

Một hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga (Ảnh: BI).

Hãng RIA Novosti dẫn nguồn thạo tin nói rằng, hệ thống EW Krasukha của Nga đã buộc máy bay chiến đấu Ukraine phải từ bỏ nhiệm vụ khi gây nhiễu tất cả các hệ thống điện tử hàng không trên máy bay.

Theo nguồn tin, hệ thống EW Krasukha có thể vô hiệu hoàn toàn các thiết bị điện tử trên máy bay chiến đấu Ukraine. Kết quả là, tiêm kích Ukraine buộc phải quay trở lại căn cứ bằng cách sử dụng các điểm mốc do không thể sử dụng thiết bị điều hướng.

Krasukha có thể tác động đến thiết bị điện tử của đối phương ở khoảng cách lên tới 150km. Một hệ thống Krasukha gồm 2 hệ thống thiết bị được đặt trên 2 xe tải 8x8 KAMAZ-6350, trong đó một xe chở hệ thống tác chiến điện tử và chiếc còn lại chở mô-đun đóng vai trò là đài chỉ huy của hệ thống vũ khí.  

Krasukha là hệ thống EW được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu mặt đất và mục tiêu trên không hoạt động tầm thấp như trực thăng tấn công. Hệ thống ngăn chặn đối phương phát hiện để vô hiệu các vụ tấn công.

Mô-đun can thiệp mặt đất 1L269EH để ngăn chặn sự phát hiện của radar trên không. Mô-đun chế áp điện tử mặt đất 1RL257EH để vô hiệu tên lửa và thiết bị liên kết dữ liệu. Mô-đun trinh sát 1L265EH để phát hiện và đánh giá các mối đe dọa trên tần số vô tuyến.

Khi 3 mô-đun trên được triển khai cùng lúc, chúng có thể che giấu mục tiêu khỏi các cuộc tấn công chính xác trên diện tích hàng trăm km2 trên mặt đất.

Ngoài ra, hệ thống EW này có thể chặn các radar trên không của đối phương được trang bị trên máy bay, trực thăng, UAV, vệ tinh, tín hiệu GPS.

Hệ thống Krasukha lần đầu tiên được đưa vào biên chế Nga vào năm 2015 và đã được triển khai ở Syria.

Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.

Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.

Theo giới chuyên gia, một nhiệm vụ tác chiến điện tử thành công có thể trấn áp mạng lưới thông tin truyền thông, hệ thống định vị và ngay cả máy bay.

"Gần như ngay lập tức, hệ thống thông tin sẽ ngừng hoạt động hoặc bạn sẽ không thể điều động hỏa lực, không thể cảnh báo sắp có hỏa lực bắn tới vì radar đã ngừng hoạt động và chúng không thể dò ra bất cứ thứ gì", cựu đại tá Laurie Moe Buckhout, một chuyên gia về tác chiến điện tử cho hay.

"Nó còn có thể trở nên nguy hiểm và gây sát thương lớn hơn các cuộc tấn công vũ khí thường vì nó vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của đối phương", bà Buckhout nói.

Ngoài ra, chức năng cốt lõi của nhiều hệ thống tác chiến điện tử là cung cấp khả năng gây nhiễu đa phổ làm giảm khả năng duy trì thông tin liên lạc thông suốt của đối phương.

Trong tác chiến hiện đại, thông tin liên lạc là chìa khóa để các đơn vị quân đội đồng bộ và hiệp đồng tác chiến vào các vị trí của đối phương.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine