1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine đã có cách khắc chế "vũ khí sát thủ vô hình" của Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một công ty Ukraine cho biết đã phát triển ra các máy bay không người lái (UAV) có khả năng đối phó biện pháp gây nhiễu bằng tác chiến điện tử của Nga - công nghệ được xem là "sát thủ vô hình".

Ukraine đã có cách khắc chế vũ khí sát thủ vô hình của Nga? - 1

UAV của công ty Cosmolot (Ảnh: Cosmolot).

Một công ty Ukraine cho biết họ đã phát triển UAV có khả năng chống lại công nghệ gây nhiễu của Nga và đã bắt đầu giao hàng cho lực lượng Kiev.

Công ty công nghệ thông tin Cosmolot tiết lộ đã giao chiếc đầu tiên trong lô 15 máy bay không người lái tấn công "Punisher" cho quân đội Ukraine.

Cosmolot tuyên bố rằng các máy bay không người lái này có thể hoạt động trong điều kiện môi trường xung quanh bị gây nhiễu tín hiệu, đồng thời có khả năng chống lại tác chiến điện tử.

Vì vậy, công ty này nói rằng UAV họ sản xuất có khả năng "phá hủy các kho đạn, sở chỉ huy và căn cứ thiết bị của đối phương ở xa tiền tuyến".

Cosmolot cho hay những UAV này là phiên bản nâng cấp của máy bay không người lái Punisher đang có trong kho vũ khí Ukraine. Phiên bản Punisher hiện tại đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ thành công chống lại mục tiêu của lực lượng Nga, công ty Ukraine tiết lộ.

Maksym Subotin, đại diện của nhóm phát triển Punisher, cho biết công ty này có kế hoạch chế tạo ra 50 chiếc UAV Punisher bản cải tiến.

Yarema, một binh sĩ Ukraine hỗ trợ hoạt động chế tạo UAV Punisher, nói: "Điều quan trọng nhất là UAV này có khả năng chống lại biện pháp tác chiến điện tử. Nhờ Punisher, giờ đây chúng ta có lợi thế hơn đối phương".

Hiện chưa rõ công nghệ Ukraine đã sử dụng để đối phó tác chiến điện tử của Nga, nhưng nếu đây là sự thật, nó có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến.

Báo cáo của Viện RUSI (Anh) hồi tháng 5 nói rằng Ukraine có thể mất trung bình 10.000 UAV mỗi tháng vì nỗ lực gây nhiễu của Nga, tương đương 333 chiếc mỗi ngày.

Các thiết bị tác chiến điện tử của Moscow thậm chí còn đánh chặn được cả rocket HIMARS, bom thông minh JDAM, đạn dẫn đường Excalibur của phương Tây.

Giống việc bố trí trận địa phòng không với các tổ hợp tầm ngắn, tầm trung và tầm xa bọc lót cho nhau, Nga cũng phân bổ các tổ hợp tác chiến điện tử với cơ chế tương tự, đảm bảo chúng có thể bao phủ mỗi 10km trên dọc mặt trận.

Một báo cáo trước đó của chuyên trang quân sự Eurasian Times cho biết, Nga tỏ ra chiếm ưu thế trước Ukraine trong lĩnh vực tác chiến điện tử, khi có thể đánh chặn từ UAV, thiết bị thông tin liên lạc, tín hiệu định vị vệ tinh.

Ukraine cũng sở hữu một số tổ hợp EW nhưng khả năng phủ trên tiền tuyến và uy lực không bằng Nga.

Theo giới chuyên gia, các hệ thống EW Nga từng khiến UAV tấn công TB2 của Ukraine sụt giảm đáng kể hiệu quả tác chiến trong bối cảnh máy bay không người lái này từng gây ra không ít thiệt hại cho Nga trước đó.

Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.

Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine