1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

"Vũ khí" giúp binh sĩ Ukraine cầm cự lâu trong pháo đài Azovstal

Minh Phương

(Dân trí) - Nhà máy Azovstal có dự trữ đầy đủ nhu yếu phẩm, nước uống, máy phát điện cho phép binh sĩ Ukraine cố thủ ở đây suốt một thời gian dài bất chấp bị quân đội Nga bao vây, pháo kích.

Vũ khí giúp binh sĩ Ukraine cầm cự lâu trong pháo đài Azovstal - 1

Nhà máy gang thép Azovstal (Ảnh: Reuters).

Hơn hai tháng bị bao vây và tấn công, lực lượng phòng thủ của Ukraine ở nhà máy luyện kim Azovstal tuyên bố không đầu hàng và sẽ chiến đấu đến cùng. Khả năng kháng cự của họ có lẽ vượt ra ngoài dự đoán của cả Nga và giới chức phương Tây. Điều này là nhờ thiết kế hệ thống đường hầm cũng như kho dự trữ bên trong của công trình được xây dựng từ thời Liên Xô này. 

Theo các nguồn tin, nhà máy Azovstal được cho là được Liên Xô thiết kế để có thể duy trì năng lực sản xuất trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân của NATO. Tổ hợp này có tổng cộng 6 công trình ngầm dài khoảng 24 km được xây dựng bằng bê tông cốt thép với địa hình phức tạp. Phần đỉnh công trình ngầm là bê tông cốt thép dày 8 m có thể chống chịu một cuộc tấn công hạt nhân và một cuộc tấn công trực tiếp bằng bom hạt nhân chiến thuật. Các đường hầm dưới lòng đất được mở rộng ra tất cả các hướng.

Để hiểu rõ về thiết kế đặc biệt của Azovstal, phóng viên của hãng tin AFP đã tới tham quan nhà máy Zaporizhstal ở thành phố Zaporizhzhia, vốn được coi là "nhà máy chị em" do những điểm tương đồng.

"Chúng tôi có thể trú ẩn ở đây trong thời gian dài. Tôi nghĩ, nó có thể mang lại cơ hội sống sót", Ihor Buhlayev, 20 tuổi, một nhân viên nhà máy Zaporizhstal cho biết khi nói về hệ thống đường hầm bên dưới nhà máy.

Vũ khí giúp binh sĩ Ukraine cầm cự lâu trong pháo đài Azovstal - 2

Sơ đồ "pháo đài" kiên cố trong nhà máy Azovstal (Đồ họa: Sun).

Hệ thống boongke bên dưới nhà máy Azovstal và Zaporizhstal được xây dựng từ đầu những năm 1930 với mục đích có thể sử dụng làm nơi trú ẩn cho hàng nghìn công nhân. Cả hai nhà máy này đều thuộc quyền quản lý của Metinvest Holding - công ty thuộc sở hữu của người giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov.

Tổng cộng có 16 boongke bên dưới nhà máy Zaporizhstal, nằm ở độ sâu khoảng 10 m với cửa thép dày 10 cm có khả năng chịu một vụ nổ mạnh. Boongke được chiếu sáng đầy đủ nhờ máy phát điện và có nhiều hàng ghế có thể chứa tới 600 người. Những boongke này có đầy đủ bồn chứa nước sinh hoạt, thực phẩm dự trữ, nước đóng chai, nhà vệ sinh, bếp dầu, củi dự phòng. Boongke bên dưới nhà máy Azovstal, nơi hơn 1.000 binh sĩ Ukraine còn trú ẩn, cũng có những đặc điểm tương tự.

Phía trên khu hầm ngầm là một khu vực rộng khoảng 5,5 km2, tương đương một nửa diện tích của nhà máy Azovstal với nhiều vị trí có thể ẩn nấp giữa các tòa nhà. Ngoài ra, các cấu trúc tháp cao của nhà máy cũng có thể tận dụng làm đài quan sát, nhưng trong tình hình hiện này, những cấu trúc trên mặt đất như vậy không khả dụng.

Thiết kế đặc biệt của nhà máy Azovstal đã giúp nơi này trở thành "pháo đài" kiên cố cho lực lượng phòng thủ cuối cùng của Ukraine ở Mariupol. Tuy nhiên, những ngày gần đây, các binh sĩ bên trong nhà máy đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế do Azovstal tiếp tục bị bao vây, tập kích, trong khi nguồn lực của họ cạn kiệt dần, hàng trăm người bị thương không được chăm sóc y tế.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine