Vụ đụng độ đẫm máu "khác thường" ở biên giới Ấn - Trung
(Dân trí) - Vụ đụng độ ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng được cho là "bất thường" khi khu vực này gần như không có tiếng súng suốt hơn 40 năm qua.
Vụ đụng độ “khác thường”
“Tình hình có vẻ tồi tệ, rất tồi tệ”, chuyên gia phân tích Vipin Narang, Giáo sư nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nói khi bình luận về vụ đụng độ hôm 15/6 giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp.
Vụ đụng độ xảy ra tối 15/6 ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh trong khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đây có thể coi là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất tại biên giới của hai nước trong vòng hơn 40 năm qua. Trong khi Ấn Độ nói 20 binh sĩ của họ thiệt mạng trong vụ đụng độ, đến nay phía Trung Quốc vẫn không đề cập đến con số thương vong.
"Một khi đã có thương vong, hai bên sẽ rất khó để duy trì mọi thứ bình yên. Vấn đề bây giờ là sức ép từ dư luận ra sao. Quy mô, phạm vi và sự leo thang căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn gần đây dường như chưa từng có tiền lệ", chuyên gia Narang nhận định.
Trung Quốc và Ấn Độ từng xảy ra các vụ đụng độ do tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực biên giới kéo dài hơn 3.440 km này hay còn gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC). Binh sĩ 2 bên nhiều lần xảy ra xô xát, song không có tiếng súng trong suốt hơn 4 thập niên qua. Đó là lý do tại sao vụ đụng độ gây nhiều thương vong hồi đầu tuần này giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ khiến nhiều người ngạc nhiên.
“Đó là một vụ đụng độ khác thường. Không hề có tiếng súng nào suốt 45 năm qua và rồi bỗng chốc 20 binh sĩ thiệt mạng chỉ sau một đêm giao tranh bằng đá và gậy gộc”, Shashank Joshi, biên tập viên về quốc phòng của tạp chí The Economist, bình luận.
Vụ đụng độ xảy ra sau khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang những tuần gần đây ở khu vực biên giới tranh chấp nhưng không hề xảy ra vụ đấu súng nào.
Các thông tin hồi đầu tháng 5 nói rằng, các binh sĩ Trung Quốc đã dựng lều, đào hào và đưa vũ khí hạng nặng vào sâu vài km trong khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền ở thung lũng Galwan. Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ xây một con đường dài vài trăm km kết nối với một căn cứ không quân bắt đầu hoạt động trở lại từ năm 2008.
Một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất
Đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ vẫn nổ ra mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng hôm 6/6. Đến nay chi tiết vụ đụng độ ở thung lũng Galwan vẫn là một bí ẩn, song Trung Quốc và Ấn Độ liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận về LAC.
Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của tạp chí The Diplomat, cho rằng căng thẳng biên giới Trung - Ấn gần đây là "một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua" kể từ sau vụ tranh chấp ở Doklam năm 2017 và thậm chí trước đó. Tuy nhiên, Shivshankar Menon, một chuyên gia về Trung Quốc và là cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, nhận định hành động của Trung Quốc lần này “rất khác so với trước kia” khi họ tìm cách “chiếm những khu vực chưa từng chiếm trước đó dọc LAC”. “Đây là dấu hiệu đáng lo ngại”, ông Menon nói.
Joshi, biên tập viên của tạp chí The Economist, bình luận về mặt chiến thuật, việc Ấn Độ đẩy mạnh xây dựng ở khu vực biên giới có thể đã khiến Trung Quốc hành động với vỏ bọc đại dịch Covid-19.
Cả Joshi và một số chuyên gia đều cho rằng, đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Ông Menon, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, tin rằng chủ nghĩa dân tộc cũng có liên quan khi giới chức Trung Quốc đang phải đối mặt với “những sức ép kinh tế và đối nội”.
Nói về hệ quả của vụ đụng độ hồi đầu tuần, ông Joshi cho rằng, nó sẽ kéo theo căng thẳng ngoại giao lâu dài và quy mô lớn hơn giữa hai quốc gia hạt nhân.
Minh Phương
Theo BBC