1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ 39 người chết trong xe tải ở Anh chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”

(Dân trí) - Vụ 39 thi thể được tìm thấy bên trong thùng xe tải tại Anh hồi tháng 10 chỉ là một phần nhỏ trong các đường dây đưa người nhập cư trái phép tới châu Âu.

Vụ 39 người chết trong xe tải ở Anh chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” - 1

Cảnh sát khám xét xe tải chở 39 thi thể tại Essex, Anh (Ảnh: Reuters)

Ngày 18/6/2000, một chiếc xe tải tới cảng Dover, Anh.

Ngày 23/10/2019, một chiếc xe khác tới cảng Purfleet, Anh.

Trong cả hai trường hợp, hai container được niêm phong đều rời một cảng ở Bỉ. Tuy nhiên, bên trong container không chở hàng, mà chở người.

19 năm trước, chỉ 2 trong số 60 người trong container sống sót.

Lần này, cả 39 người đều chết. Họ dường như bị chết cóng.

Cảnh sát ở Anh và Bỉ vẫn đang điều tra một đường dây buôn người xuyên quốc gia, nhiều khả năng đặt cơ sở ở Bắc Ireland.

Dù cho trụ sở của đường dây buôn người này nằm ở đâu, một điều chắc chắn là “đế chế kinh doanh này” vẫn đang cạnh tranh để giành lấy khách hàng về tay mình.

“Đây là một ngành kinh doanh khổng lồ. Một số người cho rằng buôn người mang về cho những kẻ phạm tội lợi nhuận cao hơn nhiều so với buôn ma túy”, Vernon Coaker, nghị sĩ Anh thuộc ủy ban của quốc hội phụ trách giải quyết nạn buôn người, nói với hãng tin ABC News.

Mặc dù các con số chính thức về số nạn nhân buôn người ở Anh khoảng 7.000 người, song ông Coaker cho rằng quy mô trên thực tế còn lớn hơn nhiều.

“Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, nghị sĩ Anh nhấn mạnh.

Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính hiện có khoảng 40,3 triệu nạn nhân của các đường dây buôn người.

Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm ước tính chỉ tính riêng hai trong số các tuyến đường buôn người chính, từ châu Phi sang châu Âu và Nam Mỹ tới Bắc Mỹ, đã mang lại gần 7 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm.

David Wood, cựu lãnh đạo cơ quan di trú thuộc Bộ Nội vụ Anh, nói rằng có tới hàng chục nghìn người đi lậu vào Anh mỗi năm.

“Số người đi chui vào Anh có lẽ vào khoảng 20.000 - 40.000 người mỗi năm”, ông Wood nói với ABC.

Theo ông Wood, cùng với những trường hợp làm giả giấy tờ và cố tình kéo dài thời hạn thị thực, số “người nhập cư bất hợp pháp” tại Anh mỗi năm khoảng hơn 100.000 người.

Đường dây tại nhiều quốc gia

Vụ 39 người chết trong xe tải ở Anh chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” - 2

58 người chết trong thùng xe tải ở Dover năm 2000 (Ảnh: PA)

Ông Wood cho rằng các băng nhóm đứng sau số người nhập cư bất hợp pháp vào Anh đang vận hành những đường dây kinh doanh tinh vi theo mô hình kim tự tháp, với các đầu sỏ tại các “điểm nóng” buôn người trên toàn thế giới.

“Họ có đầu mối tại các quốc gia khác nhau, ở Trung Quốc, châu Phi hạ Saharan, Afghanistan và Nam Á. Họ là “nhân viên kinh doanh”. Họ tiếp cận những người dễ bị tổn thương, kể cho những người này nghe về vùng đất của sữa và mật ngọt, về việc đưa họ tới Anh, kiếm tiền tại Anh, nơi có việc làm dành cho tất cả mọi người và thu nhập cao”, ông Wood cho biết.

Theo ông Wood, nhiều gia đình đã bán toàn bộ tài sản để đưa con đến Anh với hy vọng người này sẽ tới được Anh, kiếm nhiều tiền rồi gửi tiền về nhà. Sau đó, các thành viên khác trong gia đình cũng sẽ đi theo.

Ahmad Al-Rashid, một người tị nạn Syria từng trải qua hành trình tới Anh bằng xe tải, đã kể về nỗi sợ hãi và tuyệt vọng khi ngồi trong container mà không có không khí để thở.

“Họ la lối, gào thét, đập cửa, kêu gào. Đó là những gì chúng tôi đã làm tại Calais với hy vọng sẽ có ai đó tới giúp đỡ”, Al-Rashid nhớ lại.

Thành phố cảng Calais ở Pháp là nơi người di cư thường tập trung để bắt đầu hành trình vượt biên sang Anh, có thể bằng xe tải hoặc đi thuyền vượt eo biển.

Nhiều nhóm buôn người thậm chí còn “quảng cáo” dịch vụ trên Facebook.

“Vào thời điểm đó, tôi vào Facebook và thấy họ đăng các bài viết về các chuyến đi cũng như chi phí và các thứ khác, có một hệ thống các khách sạn, ô tô, nhà hàng tham gia vào đường dây phạm tội kiểu này. Calais rất khủng khiếp… đây là cấp độ tội phạm mới”, Al-Rashid cho biết thêm.

Trong vụ việc xảy ra vào năm 2000, mỗi “khách hàng” Trung Quốc phải trả cho đường dây buôn người 20.000 bảng Anh (khoảng 26.000 USD) cho hành trình tới Anh. Họ ban đầu đáp chuyến bay tới Belgrade, Serbia, sau đó ở trong một căn nhà, rồi tiếp tục chui vào trong xe tải để đi phà qua Hungary, Áo, Pháp và Hà Lan. Tại Rotterdam, Hà Lan, họ bị đưa vào trong thùng xe tải và chết trong vài giờ đồng hồ.

Nỗ lực ngăn chặn

Đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại cảng Dover, Anh. Trong khi đó, cảnh sát Pháp cũng vào cuộc để dỡ bỏ các trại tập trung của người tị nạn ở khu vực gần thành phố Calais.

Tuy nhiên, khi các thiết bị quét thân nhiệt và đo nồng độ CO2 được triển khai để kiểm tra xe ra vào các cảng, nhiều đối tượng buôn người đã tìm cách khác để hoạt động. Cảng Zeebrugge tại Bỉ, nơi xuất phát của container chở 39 thi thể được phát hiện tại Anh, được cho là tụ điểm được các nhóm buôn người nhắm đến.

Nghị sĩ Vernon Coaker cho rằng các chính phủ cần phối hợp với nhau và tích cực hơn trong việc đối phó với nạn buôn người.

“Chắc chắn nếu chúng ta siết chặt an ninh tại Zeebrugge và Rotterdam, và sau đó tại Hull hay Purfleet… những kẻ buôn người sẽ sử dụng các con đường khác. Do vậy chúng ta sẽ phải xem xét lại điều này, nhìn vào thực tế này và quyết định xem cách chúng ta ứng phó như thế nào, vì mỗi lần chúng ta tăng cường an ninh tại một khu vực, họ (những kẻ buôn người) sẽ lại tìm ra một khu vực khác”, ông Coaker nói.

Ông Coaker cũng kêu gọi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế và các cơ quan liên quan.

“Lực lượng biên phòng, Cơ quan Tội phạm Quốc gia, cảnh sát địa phương, cơ quan tình báo nên phối hợp với nhau và làm việc với các đối tác quốc tế, xem liệu chúng ta có thể làm gì, và có thể làm gì hơn nữa để khắc phục lỗ hổng này. Chúng ta cần khẩn trương tìm ra những hướng đi mới mà các nhóm buôn người có thể sử dụng và giải quyết một cách nhanh chóng”, nghị sĩ Coaker giải thích.

Thành Đạt

Theo ABC