1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cuộc sống “chui rúc” của người di cư đánh đổi tính mạng để vào Anh

(Dân trí) - Những người di cư tại Pháp sẵn sàng chấp nhận đối mặt với mọi rủi ro, bao gồm cả nguy cơ thiệt mạng, để theo đuổi giấc mơ đặt chân tới Anh.

Cuộc sống “chui rúc” của người di cư đánh đổi tính mạng để vào Anh - 1

Người di cư phải ngủ trong lều tại khu bảo tồn ở Dunkirk, Pháp với hy vọng có thể vượt biên vào Anh (Ảnh: Independent)

Salman, một người Iraq, và gia đình của anh đã 3 lần tìm cách vượt qua eo biển Manche với hy vọng có thể đến được bờ biển Anh. Tuy nhiên, cả 3 lần Salman cùng với vợ và 3 con, trong đó đứa nhỏ nhất mới chỉ 4 tuổi, đều thất bại và phải quay trở lại Pháp.

Bây giờ, khi thời tiết chuyển biến khắc nghiệt hơn và hành trình vượt biển trở nên khó khăn hơn, cả gia đình Salman đã lựa chọn con đường khác để vào Anh, đó là đi bằng xe tải. Mỗi buổi tối, họ lại tìm cách leo lên những chiếc xe tải với khao khát có thể đặt chân tới “miền đất hứa” Anh.

Người đàn ông 42 tuổi biết rằng anh có thể sẽ chết nếu chui vào trong thùng hàng của xe tải để đi lậu sang Anh, tương tự số phận của 39 thi thể được tìm thấy ở Essex tuần trước. Tuy nhiên, giống như hàng trăm người khác đang sống trong những lán trại tạm bợ ở phía bắc Pháp để chờ cơ hội vào Anh, Salman không có nhiều lựa chọn.

“Việc này rất nguy hiểm, nhưng còn nguy hiểm hơn nếu ở lại Iraq. Chúng tôi chỉ muốn tới đó”, Salman nói khi đứng cạnh lều tạm của gia đình anh phía trên một bãi cỏ gần đường quốc lộ tại Dunkirk, Pháp.

Bất chấp rủi ro

Cuộc sống “chui rúc” của người di cư đánh đổi tính mạng để vào Anh - 2

Cảnh sát tuần tra bờ biển Oye-Plage, gần Calais để ngăn người di cư vượt eo biển vào Anh. (Ảnh: AFP)

Hàng trăm người, bao gồm nhiều gia đình có con nhỏ, cũng sống trong những lán trại tạm bợ tương tự ở nơi cách thành phố Calais, Pháp khoảng 50 km.  Các nhân viên cứu trợ cho biết tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các nhà chức trách tăng cường hoạt động truy quét các nhóm di dân bất hợp pháp.

Theo các tổ chức từ thiện, những di dân khao khát đặt chân đến Anh có thể phải trả tới 10.000 bảng Anh (gần 13.000 USD) cho các băng nhóm buôn người để được đảm bảo hành trình vượt biên vào Anh bằng xe tải hoặc thuyền qua eo biển Manche. Các đối tượng buôn người cũng thường xuyên được cài cắm trong các trại tạm bợ của di dân để đưa ra những lời dụ dỗ “mật ngọt”, từ đó tác động tới lựa chọn của những người tị nạn vốn đang trong tình trạng tuyệt vọng.

Điều kiện sống khó khăn tại các lán trại ở Pháp khiến ngày càng nhiều di dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro để vượt biên vào Anh. 4 người đã thiệt mạng khi tìm cách vượt qua eo biển Manche trong 3 tháng qua, trong khi vụ 39 người chết ở Essex gần đây càng phơi bày những nguy hiểm mà các di dân phải đối mặt khi đi lậu vào Anh.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh, ước tính có hơn 3.000 người vượt biên trái phép qua eo biển Manche vào Anh. Chỉ tính riêng trong năm 2018, hơn 35.000 trường hợp vượt biên trái phép đã bị lực lượng biên phòng bắc Pháp và Bỉ ngăn chặn.

Điều kiện sống tồi tệ

Cuộc sống “chui rúc” của người di cư đánh đổi tính mạng để vào Anh - 3

Cảnh sát Pháp trục xuất người di cư khỏi khu vực lán trại tạm bợ. (Ảnh: Independent)

Salman và gia đình đang phải ngủ tạm tại một khu bảo tồn thiên nhiên ở Grande-Synthe, Dunkirk - nơi bị các tổ chức từ thiện mô tả là có điều kiện sống tồi tệ nhất đối với các di dân trong khu vực. Nhiều người buộc phải uống nước lấy từ hồ gần đó do không được tiếp cận với nguồn nước sạch.

Các chuyên gia y tế cho biết, từ tháng trước, cộng đồng di dân đã phải đối mặt với tình trạng sức khỏe tồi tệ và bệnh tật gia tăng, khi họ buộc phải chuyển tới khu bảo tồn ở Grande-Synthe sinh sống do bị chính quyền trục xuất khỏi một khu tập luyện thể thao với điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

Các nhà hoạt động cho biết chiến dịch càn quét di dân do tân thị trưởng Martial Beyaert phát động sau khi ông lên nắm quyền hồi tháng 7. Thị trưởng Martial được cho là có cách tiếp cận “ít nhân đạo” hơn đối với cộng đồng di dân vô gia cư.

10 thành viên của hội đồng lập pháp ở Grande-Synthe đã từ chức để phản đối việc truy quét người di cư, bao gồm Dany Wallyn.

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tồi tệ như thế. Chính quyền chưa bao giờ có những biện pháp cực đoan như vậy. Cảnh sát ập đến, thu giữ lều trại, bỏ mặc bọn trẻ trong mưa, ngăn các tổ chức từ thiện tới phân phát đồ ăn và quần áo. Họ cần sự giúp đỡ. Chúng ta không thể bỏ mặc họ như vậy, khi họ không có gì cả. Điều này hoàn toàn vô nhân đạo”, ông Wallyn nói.

Cuộc sống “chui rúc” của người di cư đánh đổi tính mạng để vào Anh - 4

Người di cư phải uống nước lấy từ hồ vì không được tiếp cận với nguồn nước sạch. (Ảnh: Independent)

Chloe Lorieux, điều phối viên của tổ chức Bác sĩ Thế giới, nhận định tình hình ở Dunkirk đang “tồi tệ chưa từng thấy”, khi tổ chức này phải điều trị cho từ 40 - 60 người di cư trong các trại tập trung mỗi ngày vì các vấn đề sức khỏe, gấp đôi so với 6 tuần trước đây.

“Điều kiện sống quá tệ, khi họ không thể tiếp cận được nguồn nước, họ không thể giữ vệ sinh, rồi các vết thương nhiễm khuẩn, họ có nguy cơ dễ bị bệnh hơn và khó hồi phục hơn. Tuần trước, họ không có nước sạch để uống. Họ phải uống nước từ hồ. Ít nhất họ cần phải có nhà vệ sinh và nhà tắm. Rồi khi lều trại bị lấy đi hàng ngày, họ không còn gì để bảo vệ trước thời tiết, trời lạnh và ẩm càng khiến con người dễ bị nhiễm trùng hơn”, bà Chloe cho biết.

Theo bà Chloe, các đợt truy quét liên tục cũng khiến người di cư dễ bị suy sụp về tinh thần.

“Mọi người đều kiệt sức và rất căng thẳng. Họ không được nghỉ ngơi. Họ luôn phải di chuyển. Chúng tôi cũng thấy những đứa trẻ có phản ứng tiêu cực, như hành động quá khích. Họ căng thẳng. Một số tự làm đau bản thân. Họ luôn lo lắng”, bà Chloe cho biết thêm.

Thành Đạt

Theo Independent

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm