Trò “mèo vờn chuột” trong hành trình liều lĩnh của di dân vượt biên vào Anh
(Dân trí) - Cảng Zeebrugge tại Bỉ đã trở thành địa bàn hoạt động “sôi nổi” của những di dân ôm mộng vượt biên vào Anh, bất chấp các nguy hiểm rình rập.
Khi màn đêm buông xuống cảng Zeebrugge, Bỉ, những người nhập cư bắt đầu bò ra khỏi bụi rậm và lao về phía hàng rào dây thép gai. Họ trèo qua đường ray tàu, lẻn vào các xe tải. Tất cả đều được thực hiện để tránh bị cảnh sát phát hiện, giống như một trò mèo vờn chuột vào ban đêm.
Zeebrugge, thị trấn nhỏ ven biển của Bỉ, từ nay về sau sẽ được biết đến như một nơi có liên quan tới cuộc điều tra giết người quy mô lớn nhất của Anh. Từ cảng biển này, một thùng đông lạnh chứa 39 người nhập cư trái phép đã được đưa sang Anh. Tất cả được phát hiện đã chết ở Essex, Anh hôm 23/10.
Thảm kịch kinh hoàng này đã phơi bày góc tối của tệ nạn buôn người, khi người di cư phải trả hơn 30.000 bảng Anh (38.500 USD) để được đặt chân tới Anh.
An ninh Bỉ sử dụng chó tuần tra quanh cảng. (Ảnh: The Sun)
Zeebrugge đã trở thành đường thoát cho nhiều người di cư trong những năm gần đây. Nhiều người nói rằng các chốt kiểm tra lỏng lẻo ở biên giới biến khu vực này thành “tuyến đường dễ dàng nhất” để vượt biên vào Anh.
“Tại đây (cảng Zeebrugge), có nhiều cơ hội để vào Anh hơn là ngồi trong xe tải”, một người di cư nói với báo The Sun (Anh). Do vậy, người đàn ông này cho biết “hàng đêm” anh ta vẫn tìm cách lẻn vào trong cảng Zeebrugge, chấp nhận con đường vượt biên nguy hiểm để tìm kiếm cuộc sống mới tại Anh.
Trong khi cảnh sát vẫn đang ráo riết truy lùng băng nhóm buôn người đứng sau thảm kịch 39 người chết trong thùng xe tải tại Anh, những người dân địa phương tại Zeebrugge đã chia sẻ với The Sun về cuộc khủng hoảng di cư diễn ra ngay trước cửa nhà họ.
“Mèo vờn chuột”
Những đôi găng tay được di dân sử dụng khi trèo qua hàng rào dây thép gai. (Ảnh: The Sun)
Theo Kevin Pearson, nhân viên làm việc tại cảng Zeebrugge và là người sáng lập nhóm cộng đồng NightWatch chuyên theo dõi hoạt động của người di cư, hàng đêm ông đều chứng kiến cảnh người di cư tìm cách trèo qua hàng rào dây thép gai và chạy về phía các phà hoặc container ở gần đó.
“Họ được mách rằng, đi bằng tàu thủy tới Anh sẽ dễ dàng hơn. Đó là lý do họ tới đây”, Pearson nói.
Tuy vậy, Pearson cho biết cảnh tượng thường diễn ra giống như trò mèo vờn chuột, khi người di cư muốn lẻn vào trong cảng còn cảnh sát tìm mọi cách để ngăn chặn.
Chỉ trong một đêm, phóng viên của The Sun đã được chứng kiến cảnh những người di cư lén lút tìm cách vào cảng. Họ sẵn sàng trườn bò qua những bãi cỏ cao để tránh lực lượng an ninh và chó nghiệp vụ. Họ đi lòng vòng quanh cảng, chờ tới khi không có ai xung quanh thì lẻn vào.
Dọc theo hàng rào dây thép gai là những lỗ thủng do người di cư cắt để đột nhập vào bên trong cảng. Lực lượng an ninh đã tìm cách vá những lỗ thủng này, nhưng chỉ đêm hôm sau chúng lại xuất hiện.
Một bằng chứng khác cho thấy nỗ lực bất thành của những người di cư là những đôi găng tay bị bỏ lại trên hàng rào dây thép gai. Ngoài ra, còn có những hàng rào bị cắt nham nhở khi người di cư tìm cách trèo qua chúng.
Hiện chưa rõ bao nhiêu người di cư đã thành công với cách làm này, trong khi các nguồn tin an ninh tiết lộ họ chứng kiến 20 trường hợp di dân bị bắt trong một đêm. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, những đối tượng này quay trở về và sẵn sàng thử sức lần tiếp theo.
Một lỗ thủng trên hàng rào nơi di dân tìm cách chui qua. (Ảnh: The Sun)
Những người di cư nói rằng họ không cảm thấy sợ hãi, mặc dù đã nghe tin về số phận của 39 người chết trong xe tải khi đang trên đường tới Anh.
Một người di cư 32 tuổi từ Libya cho biết anh đã chọn Zeebrugge để làm nơi vượt biên, sau khi nghe tin rằng tại đây có nhiều “cơ hội hơn” để vào Anh.
Một người giấu tên khác cũng cho biết đã nghe tin về vụ 39 thi thể trong xe tải, tuy nhiên điều đó không ngăn anh ta vượt biên vào Anh. Người đàn ông này nói một cách đơn giản: “Cuộc sống là như vậy. Luôn có rủi ro”.
Nhiều người di cư đã kéo đến nhà thờ địa phương ở Zeebrugge. Là người cai quản nhà thờ, mục sư Fernand Marechal đã cung cấp cho họ đồ ăn và quần áo. Trong số này có một thiếu niên từ Tây Sahara.
Thiếu niên 16 tuổi cho biết cậu ta mất 7 giờ đồng hồ để trốn dưới gầm xe tải khi di chuyển từ Italy tới Zeebrugge và sẵn sàng làm như vậy trong hành trình tiếp theo tới Anh. Dù mới đến thị trấn Zeebrugge được 15 ngày, nhưng tối nào cậu ta cũng thử trốn trong xe tải để chờ cơ hội sang Anh.
Nhiều người di cư tại Zeebrugge nói rằng họ không có tiền để trả cho những kẻ buôn người ngay cả khi họ muốn làm như vậy. Những người khác cho biết họ đã tiêu hết tiền để trả cho đường dây buôn người sau khi đi từ quê nhà tới châu Âu.
Nỗi sợ của người dân địa phương
Những người đi vòng quanh cảng, chờ cơ hội để đột nhập vào trong. (Ảnh: The Sun)
Sự xuất hiện của những người di cư ở Zeebrugge khiến người dân tại thị trấn nhỏ bé này cảm thấy không thoải mái.
Một chủ cửa hàng đã kể lại câu chuyện một người di cư từng suýt đâm bà khi bà gọi cho cảnh sát để báo về việc người này ăn trộm các lon nước ở quán.
“Khi tôi gọi cho cảnh sát trước mặt anh ta, anh ta liền rút dao và dọa đâm vào vai tôi. May mắn là con dao đó không găm vào họng tôi”, chủ cửa hàng cho biết.
Một phụ nữ trẻ sống tại Zeebrugge cho biết cô từng đối mặt với một người di cư khi người này xô đẩy cô và đá vào xe cô. Đây chỉ là một vài vụ xô xát căng thẳng, song người dân địa phương ngày càng lo sợ rằng những vụ việc như vậy có thể tiếp diễn nếu không có động thái ngăn chặn.
Những ngôi nhà ven biển, nơi thường không có người ở và thường được sử dụng trong những dịp nghỉ lễ, đã trở thành mục tiêu hàng đầu của những đối tượng di cư muốn tìm nơi nào đó để trú tạm.
Ngay cả nhà của những nhân viên làm việc tại cảng Zeebrugge cũng có thể bị người di cư đột nhập để ăn trộm đồng phục, giúp họ trà trộn vào trong cảng.
“Mọi người thường sợ đi tàu điện vào buổi sáng hoặc buổi tối. Khi trời tối, ít người dám ra ngoài”, Nancy Dewitte, một người dân địa phương, cho biết.
Các tài xế lái xe tải thường xuyên được cảnh báo về nguy cơ người di cư lẻn vào phía sau xe của họ. Tuy nhiên, theo tài xế Hans Phillipe, không thể trông chừng xe 24/7 để ngăn chặn người di cư.
“Bạn phải trông chừng cả đêm, nếu bạn không muốn ai đó nhảy vào xe. Họ có thể rạch bạt hoặc tháo dây chui vào. Nếu họ đã muốn vào thì họ sẽ tìm cách để vào”, Phillipe cho biết.
Theo Phillipe, thông thường các cảng đều kiểm tra thùng hàng xe tải. Tuy nhiên, những người di cư vẫn có thể lẻn vào thùng xe, đặc biệt nếu có sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Thành Đạt
Theo The Sun