Viện trợ cho Ukraine gây ra "lỗ hổng" 6,5 tỷ USD trong quân đội Mỹ
(Dân trí) - Truyền thông Mỹ cho biết quân đội nước này đang cần ít nhất 6,5 tỷ USD để bù đắp kho vũ khí dự trữ đã viện trợ cho Ukraine.
Theo một tài liệu mà hãng tin Bloomberg quan sát được, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị quốc hội phân bổ ít nhất 6,5 tỷ USD để bổ sung kho dự trữ vốn đã cạn kiệt sau 2 năm liên tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh tính cấp bách và liệt kê các khoản chi tiêu ưu tiên trong các đề xuất bổ sung được gửi tới Quốc hội vào tháng trước, Bloomberg cho hay.
Danh sách mua sắm được cho là bao gồm nhiều loại vũ khí, đạn dược và các thành phần quan trọng để sản xuất đạn pháo 155mm, tên lửa chống radar HARM, tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa GMLRS và tên lửa chống tăng TOW.
Trong khi Lầu Năm Góc ước tính ngân sách bổ sung ngay lập tức là 6,5 tỷ USD, nhiều hãng truyền thông Mỹ đưa tin hồi đầu tuần rằng Mỹ sẽ cần ít nhất là 10 tỷ USD.
Một nguồn tin nói với Politico, trừ khi sự thiếu hụt được bù đắp, "lỗ hổng" này sẽ khiến quân đội Mỹ căng thẳng.
Washington đã cung cấp hơn 75 tỷ USD tiền mặt và thiết bị cho Ukraine tính đến cuối năm ngoái để đối phó Nga, vượt xa các nhà tài trợ phương Tây khác. Tuy nhiên, quá trình viện trợ đã bị đình trệ trong vài tháng qua do khoản ngân sách 60 tỷ USD đang mắc kẹt ở quốc hội.
Gần đây nhất, Mỹ ngày 12/3 công bố gói viện trợ đầu tiên cho Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái, cũng là gói đầu tiên của năm 2024 với trị giá 300 triệu USD.
Đây là nỗ lực xoay xở của Lầu Năm Góc sau khi họ phát hiện được một số khoản tiết kiệm chi phí trong các hợp đồng quân sự, dẫn tới việc có dư thêm tiền để chuyển khẩn cấp vũ khí cho Ukraine.
Đây chỉ là một gói viện trợ nhỏ, giúp Ukraine giải tỏa "cơn khát" đạn dược trong một thời gian ngắn. Về lâu dài, trong cuộc chiến tiêu hao với Nga, Ukraine vẫn đối mặt với bất lợi lớn vì Moscow đang đưa cỗ máy sản xuất quân sự vào "guồng quay".
Tình báo NATO ước tính, Nga dự kiến sản xuất 3 triệu đạn pháo trong năm nay, trong khi cả Mỹ và EU đặt ra mục tiêu sản xuất 1 triệu đạn pháo để viện trợ cho Ukraine.
Chuyên gia dự đoán, tiềm lực đạn dược sẽ là biến số quan trọng tác động mạnh mẽ tới cục diện cuộc chiến vốn đã bước sang năm thứ 3. Bên nào có khả năng duy trì khả năng hỏa lực lâu hơn sẽ giành lợi thế lớn trên mặt trận.
Trong diễn biến mới nhất, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 14/3 nói với các thượng nghị sĩ Cộng hòa rằng Hạ viện sẽ sớm chuyển cho Thượng viện dự luật về viện trợ bổ sung cho Ukraine sau nhiều tuần trì hoãn.
Ông Johnson đề cập đến ý tưởng viện trợ dưới dạng cho vay hoặc chương trình cho thuê để đảm bảo không xảy ra việc người dân Mỹ bỏ ra hàng chục tỷ USD mà không nhận lại được gì.
Ông cũng đề cập đến ý tưởng cho phép tịch thu tài sản Nga bị đóng băng và gửi số tiền thu được từ tài sản thanh lý vào quỹ hỗ trợ Ukraine.