1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao UAV TB2 Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ vắng bóng tại Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từng được xem là vũ khí có thể "thay đổi cuộc chơi" ở giai đoạn đầu chiến sự Nga - Ukraine, nhưng UAV TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất lại khá im ắng trên chiến trường trong thời gian qua.

Vì sao UAV TB2 Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ vắng bóng tại Ukraine? - 1

UAV TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất (Ảnh: Getty).

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2, máy bay không người lái (UAV) TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện dày dặc trên truyền thông với những hình ảnh và tin tức về uy lực của dòng vũ khí này. Nhiều chuyên gia vào giai đoạn đầu của chiến sự dự đoán TB2 có thể trở thành vũ khí làm "thay đổi cuộc chơi" khi có thể làm chậm đà tiến của Nga trên chiến trường.

Trên thực tế, TB2 đã gây ra không ít thiệt hại cho phía Nga trong những tháng đầu chiến sự. Tuy nhiên, sự biến mất bất ngờ của dòng UAV khỏi cả chiến trường và phương tiện truyền thông trong thời gian qua đã khiến nhiều chuyên gia mổ xẻ lý do đằng sau.

Theo Eurasian Times, vụ Ukraine tấn công vào đảo Rắn ở Biển Đen vào tháng 5-6, được xem là một trong những trận chiến nổi bật có sự tham gia của TB2. Sau đó, UAV này dần dần trở nên "im hơi lặng tiếng".

Giới quan sát nhận định, một trong những lý do lớn nhất cho sự biến mất của TB2 trên chiến trường là Nga đã gia tăng sức mạnh của hệ thống phòng thủ, thông qua đánh chặn và gây nhiễu UAV Thổ Nhĩ Kỳ.

Samuel Bendett, một nhà phân tích và chuyên gia về các hệ thống quân sự không người lái và robot tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết: "Trên thực tế, vũ khí tác chiến điện tử và hệ thống phòng không của Nga đã được triển khai và tác chiến tốt hơn so với những tháng trước đó".

Lực lượng Nga đang sử dụng các radar cảnh báo sớm để xác định các máy bay không người lái của đối thủ và hệ thống tác chiến điện tử có nhiệm vụ gây nhiễu và làm gián đoạn liên lạc của những khí tài này, ông Bendett cho biết.

Nga cũng triển khai các lớp phòng thủ gồm súng máy, hệ thống phòng không như lá chắn Tor để bắn rơi máy bay không người lái Ukraine.

Nga từng đăng tải đoạn video cho thấy hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-S4 của họ loại bỏ UAV của Ukraine ra khỏi vòng chiến đấu.

Theo Mark Cancian, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ukraine trước đây có thể sử dụng máy bay không người lái hiệu quả như vậy là do Nga chưa tổ chức hệ thống phòng thủ đủ bao phủ khu vực chiến trường. Tuy nhiên, sau khi Nga triển khai các lớp phòng không hiệu quả, TB2 dường như đã bị bắt bài.

Ngoài ra, truyền thông Nga cho rằng, sự biến mất của TB2 dường như có thể có yếu tố ngoại giao đằng sau tác động.

Thổ Nhĩ Kỳ tuy là thành viên NATO nhưng vẫn duy trì quan hệ tương đối tốt với Nga vì phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow. Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã không chuyển thêm các lô TB2 mới cho Ukraine.

Các nguồn thạo tin nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã đạt được đồng thuận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để Ankara không cấp thêm TB2 cho Ukraine, nhằm đổi lại thỏa thuận khí đốt.

Ông Erdogan mô tả chính sách ngoại giao của ông liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine là "cân bằng". Ông cũng là một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất trong nỗ lực trở thành trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev. Thành tựu nổi bật nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua là giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận về ngũ cốc.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine