1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga thay chiến thuật tác chiến trên không tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, Nga là bên đang áp đảo trong hoạt động không chiến ở Ukraine, nhưng Kiev lại chiếm ưu thế trên mặt đất.

Nga thay chiến thuật tác chiến trên không tại Ukraine - 1

Đám cháy bùng phát sau một trận tập kích đường không ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Đô đốc Hải quân về hưu của Mỹ James Stavridis nhận định, có 2 cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một trên mặt đất và một trên không. Ông cho rằng, dù trong thời gian qua Ukraine đang giành được đà tiến trên mặt đất nhờ chiến dịch phản công toàn tuyến, Nga đang có ưu thế trong cuộc chiến trên không.

"Ukraine đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến dưới mặt đất, nhưng Nga đang thắng thế trên không và phá hủy mạng lưới điện của Ukraine. Chúng ta cần gửi thêm lá chắn phòng không để giúp Ukraine thắng cuộc chiến thứ 2", ông nhận định.

Theo Eurasian Times, một thực tế rõ ràng trong cuộc chiến là lực lượng Không quân Nga có số lượng áp đảo so với phía Ukraine. Có những trường hợp mà Nga được cho triển khai tới 10 tiêm kích để làm nhiệm vụ trong khi phía Ukraine chỉ có 1.

Ngoài ra, Nga cũng sở hữu nhiều vũ khí uy lực vượt trội, ví dụ Ukraine chưa có vũ khí xứng tầm với Su-30SM và Su-35S hay MiG-31 - những khí tài "làm mưa, làm gió" trong thời gian qua.

Theo nguồn tin tình báo chiến trường, Ukraine được cho cũng chịu nhiều thiệt hại hơn so với Nga về khí tài quân sự.

Dù chiếm ưu thế hơn đối thủ, nhưng trong giai đoạn đầu, Ukraine đã ngăn Nga kiểm soát hoàn toàn không phận nhờ chiến lược ngăn chặn xâm nhập bằng hệ thống phòng không.

Thay đổi chiến thuật

Tuy nhiên, Nga đã thích ứng dần và quyết định thay đổi chiến thuật trong không chiến.

Ví dụ, Nga trong thời gian qua đã sử dụng Su-35S và MiG-31 thực hiện chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ". Các máy bay Nga sẽ duy trì độ cao, sử dụng hệ thống radar uy lực quét toàn bộ khu vực phía dưới, rồi truy dò mục tiêu đối thủ để phóng tên lửa không đối không chính xác ở khoảng cách vài trăm km. Nga tuyên bố đã phá hủy nhiều máy bay Ukraine bằng chiến thuật này và Kiev vốn chỉ sở hữu các tên lửa không đối không tầm bắn dưới 100km và không có quá nhiều hệ thống phòng không, nên họ không kịp ứng phó với các đòn tấn công từ Nga.

Một trong những chiến thuật mới của Nga được giới quan sát nhắc tới thời gian qua là tấn công ồ ạt bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine. Phía Kiev không kịp trở tay vì các hệ thống phòng không có hạn của họ đã hoàn toàn bị áp đảo vì "mưa" hỏa lực của Nga.

Những UAV tự sát này đã mang lại cho Nga một giải pháp thay thế hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các máy bay cũng như tên lửa hành trình và đạn đạo đắt tiền. Ngay cả khi các UAV bị bắn hạ, chúng vẫn khiến Ukraine phải bắn ra lượng lớn tên lửa đất đối không trị giá hàng triệu USD để đánh chặn các vũ khí chỉ có giá 10-50.000 USD.

Nga thường triển khai một nhóm UAV tự sát có 5 chiếc trở lên tấn công theo kiểu bầy đàn vào mục tiêu trọng yếu của Ukraine. Thậm chí, trong một số trường hợp, Nga đã dùng tới 12 chiếc trong một lần tấn công, gây ra sự phá hủy nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quan trọng của đối thủ.

Dù phương Tây đã gửi thêm lá chắn phòng không cho Ukraine và Kiev tuyên bố họ sở hữu khả năng đánh chặn đang dần tốt lên, với tỷ lệ bắn rơi thành công tên lửa và UAV có thể lên tới hơn 70%, nhưng một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vẫn bị phá hủy. Điều này cho thấy, Ukraine dù có thể đã cố gắng thích nghi với chiến thuật tấn công của Nga, nhưng vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để ngăn chặn thiệt hại nặng nề trên thực địa.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm