Những tính năng ấn tượng trên UAV tàng hình của Thổ Nhĩ Kỳ
(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt nhiều hy vọng vào một loại vũ khí mới sắp trình làng: máy bay không người lái (UAV) Kizilelma, có kích thước và khả năng tác chiến như một tiêm kích thực sự.
Tập đoàn Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lăn bánh và cất cánh để chuẩn bị chuyến bay đầu tiên cho UAV Bayraktar Kizilelma (Táo đỏ).
Đây là động thái quan trọng trong chiến lược hiện thực hóa khái niệm tàu sân bay không người lái và có thể tăng cường chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 bản địa.
Tập đoàn Baykar đã công bố một đoạn video về Kizilelma khi thực hiện các bài kiểm tra chạy đường băng và cất cánh tại Trung tâm thử nghiệm và huấn luyện bay Akinci ở Corlu, phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo cáo của Aerotime Hub trong tuần này.
Ấn phẩm quốc phòng Janes cũng lưu ý, những thử nghiệm này rất quan trọng đối với chuyến bay đầu tiên của Kizilenma, dự kiến diễn ra vào năm 2023.
"Mục tiêu ban đầu là chạy với tốc độ chậm hơn một chút trong bài kiểm tra lăn bánh cất cánh đầu tiên, nhưng chúng tôi đã vượt quá giới hạn. Cảm ơn Chúa, Kizilelma đã hoàn thành bài kiểm tra cất cánh và chạy trên mặt đất (taxi) đầu tiên", ông Selcuk Bayraktar, Chủ tịch kiêm giám đốc kỹ thuật tập đoàn Baykar, nói.
Kizilelma lần đầu tiên được công bố vào tháng 7/2021. Khác với những UAV tấn công như Bayraktar TB2 và Akinci, nó có kích thước và khả năng tác chiến như một chiến đấu cơ thông thường. Và không giống các chiến đấu cơ thông thường khác, Kizilelma cũng sẽ tập trung vào việc chiến đấu trên không và trinh sát.
Tiêm kích không người lái này có tải trọng tối đa 1,5 tấn, trong lượng cất cánh tối đa 6 tấn, có thể hoạt động liên tục trong vòng 5 giờ.
Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Theo kế hoạch dự kiến, máy bay này sẽ được trang bị một radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), cùng với đó là các tên lửa không đối không do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Điểm nổi bật nhất của Kizilelma là được trang bị thiết bị thu phát sóng vệ tinh, cho phép phi công có thể điều khiển tiêm kích ở khoảng cách trong tầm mắt, hoặc thậm chí là cách xa nửa vòng trái đất.
Ở phiên bản hiện tại, nó được trang bị một động cơ phản lực cánh quạt Ivchenko-Progress AI-25TLT không đốt sau của Ukraine, giúp nó có tốc độ tối đa 900 km/h, tốc độ hành trình 740 km/h, tầm hoạt động 930km, trần bay tối đa 10.700m và thời gian bay kéo dài 5 giờ. Nó có thể có các khoang chứa bom bên trong để duy trì đặc tính tàng hình theo thiết kế.
Hình dạng bề ngoài khí động học của Kızılelma bao gồm một cánh tam giác ghép với cánh trước (phần cánh mũi), cộng với một phần đuôi thẳng đứng nghiêng và một phần đuôi ngang. Cấu hình này cũng được thấy trên các máy bay chiến đấu tàng hình khác, trong đó có J-20 của Trung Quốc.
Trong một bài viết trên The Warzone trong tháng này, một chuyên gia cho biết, các phiên bản sau của Kizilelma sẽ có khả năng bay siêu âm và có thể thực hiện các nhiệm vụ thường được giao cho máy bay chiến đấu có người lái.
Chuyên gia lưu ý việc sử dụng máy bay không người lái cho các nhiệm vụ không đối không yêu cầu những tiến bộ hơn nữa trong phần mềm bay, trí tuệ nhân tạo, chỉ huy và kiểm soát, vốn có thể là vẫn nằm ngoài khả năng công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia trên, các phiên bản tương lai của Kizilelma có thể được trang bị động cơ đốt sau Ivchenko-Progress AI-322F cho chuyến bay siêu thanh và rằng nước này cũng đang phát triển một biến thể hai động cơ.
Nâng tầm vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ
Những thành công lớn của UAV Bayraktar TB2 của Baykar trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan-Armenia hồi năm ngoái và cuộc xung đột Ukraine hiện nay đã khiến các nước quan tâm đến vũ khí chủ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Kizilelma là một sự nỗ lực nhằm vào máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của nước này, vì Ankara đã bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu tấn công chung F-35 (JSF) của Mỹ.
Điều đó buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm kiếm các máy bay thay thế, chẳng hạn như máy bay tấn công hạng nhẹ Hurjet hoặc UAV TB-3. Ngay cả khi họ muốn mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 kém hơn là F-16, cũng đang phải chờ xử lý, điều này khiến Không quân Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt nguy cơ bị tụt hậu.
Vì vậy, Kizilelma có thể sớm được đưa vào hoạt động thay thế cho F-35 trên tàu sân bay hạng nhẹ TCG Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Và chính loại vũ khí này có thể đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một nhóm nhỏ các quốc gia vận hành UAV tân tiến. Australia, Trung Quốc, Nga, Mỹ và bây giờ có thể là Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển những UAV như vậy để bổ sung cho phi đội máy bay chiến đấu có người lái của họ.