Vì sao Triều Tiên chưa thể chế tạo tên lửa có khả năng tấn công Mỹ?
(Dân trí) - Triều Tiên chỉ còn một trở ngại duy nhất để chế tạo một tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ đó là làm thế nào để gắn đầu đạn có khả năng chịu sức nóng khi trở lại bầu khí quyển, báo The Sun dẫn nhận định của chuyên gia.
Trả lời phỏng vấn báo The Sun của Anh, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về tên lửa Triều Tiên, cho rằng Triều Tiên gần như chắc chắn đã sở hữu đầu đạn có khả năng gắn vào tên lửa.
Theo chuyên gia này, Triều Tiên chỉ còn một trở ngại duy nhất để chế tạo một tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ đó là làm thế nào để gắn đầu đạn có khả năng chịu sức nóng khi trở lại bầu khí quyển
“Câu hỏi hiện giờ không phải là liệu đầu đạn đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa hay không mà là liệu có khả năng chống chịu những chấn động, rung lắc và nhiệt độ khủng khiếp trên quỹ đạo liên lục địa để trở lại bầu khí quyển Trái đất sau khi phóng đi hay không”, ông Lewis nói.
Thực tế, sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phải trải qua giai đoạn trở lại khí quyển, trong đó đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao. Nếu vượt qua được giai đoạn này, đầu đạn tên lửa mới có thể đánh trúng được mục tiêu đã định.
Hồi cuối tháng 5, Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa đạn đạo mà họ nói là Hwasong-12. Tên lửa này đã bay được chặng đường gần 800km và đạt tới độ cao hơn 2.000km. Giới chuyên gia quân sự đánh giá, vụ thử nghiệm đã đánh dấu một bước tiến đáng kể trong công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên, điều chưa từng thấy trước đó.
John Schilling, một chuyên gia về vũ trụ của Mỹ, nhận định Triều Tiên cố ý phóng tên lửa đạt độ cao tối đa nhằm tránh ảnh hưởng đến các nước láng giềng, song nếu phóng theo đường bay thông thường, tên lửa có thể bay xa ít nhất 4.000km. Trong khi đó, lục địa Mỹ cách Triều Tiên khoảng 5.500km.
Minh Phương
Theo Dailymail