1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Triều Tiên “sống chết” với chương trình phát triển tên lửa

(Dân trí) - Việc Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa với tần suất ngày càng tăng, bất chấp mọi sự cấm vận và trừng phạt của cộng đồng quốc tế, đã làm dấy lên câu hỏi rằng: Lý do gì khiến quốc gia này phải theo đuổi chương trình phát triển tên lửa bằng mọi cách như vậy?

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA)

“Hai tuần phóng tên lửa một lần”

Ngày 8/6 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa lần thứ 10 tính từ đầu năm đến nay. Việc Bình Nhưỡng phóng liên tiếp 4 tên lửa chống hạm trong cùng một ngày đã đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội trong chương trình phát triển tên lửa của nước này.

Theo ông Troy Stangarone, quan chức cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ, có thể cứ 2,1 tuần Triều Tiên lại tiến hành một vụ thử tên lửa nếu nước này vẫn tiếp tục duy trì tần suất các vụ phóng thử tên lửa như từ đầu năm đến nay.

Nhận định trên do ông Stangarone đưa ra sau khi phân tích số vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ năm 2012 - thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền tại Triều Tiên.

“Trong khoảng thời gian từ 2012-2016, ông Kim Jong-un đã tiến hành trung bình 10,8 vụ phóng thử tên lửa mỗi năm. Tuy nhiên, con số này bắt đầu tăng lên trong những năm gần đây. Năm 2012 và 2013, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 8 vụ thử tên lửa. Nếu không tính những năm đầu mà chỉ tính trong giai đoạn gần đây, thì số vụ thử tên lửa trung bình của Triều Tiên trong giai đoạn từ năm 2014-2016 là 15,3 vụ mỗi năm”, ông Stangarone cho biết.

Theo tính toán của ông Stangarone, kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức tân tổng thống Hàn Quốc hồi tháng trước, Triều Tiên đã tiến hành liên tiếp 5 vụ thử tên lửa. Mặc dù vậy, tần suất này cũng chưa hẳn là cao so với Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng từng thực hiện 7 vụ phóng tên lửa trong vòng 4 tuần vào năm 2014.

Trong khi đó, nếu tính theo tháng, tần suất thử tên lửa của Triều Tiên là 0,25 vụ trong năm 2012; 0,42 vụ trong năm 2013; 1,3 vụ trong năm 2014; 0,83 vụ trong năm 2015; 1,7 vụ trong năm 2016 và 1,8 vụ trong năm 2017.

“Nếu Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì tần suất thử tên lửa như họ đã làm trong năm nay thì sẽ có thêm 13-14 vụ thử nữa (từ giờ tới cuối năm)”, ông Stangarone phỏng đoán.

Lý do Triều Tiên quyết tâm phát triển tên lửa

Bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố ngày 30/5/2017 chụp vụ phóng thử tên lửa hanh trình mới (Ảnh: KCNA)
Bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố ngày 30/5/2017 chụp vụ phóng thử tên lửa hanh trình mới (Ảnh: KCNA)

Theo bà Cristina Varriale, chuyên gia nghiên cứu về chính sách hạt nhân tại Viện nghiên cứu Royal United Services, một trong những lý do khiến Triều Tiên ngày càng đẩy mạnh phát triển tên lửa là vì tham vọng quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ sau khi ông lên nắm quyền điều hành đất nước thay người cha quá cố. Ngoài ra, bà Varriale cũng chỉ ra một số lý do khác mà bà cho rằng đã góp phần thôi thúc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa với tốc độ nhanh chóng như hiện nay.

“Đầu tiên, phát triển tên lửa là cách để thúc đẩy năng lực của Triều Tiên cũng như giúp nước này đạt được sự răn đe chiến lược trong việc đối phó với Mỹ. Việc sở hữu một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không chỉ làm thay đổi cán cân chiến lược (của Triều Tiên) trong khu vực, mà còn thay đổi cán cân chiến lược với Mỹ”, chuyên gia Varriale cho biết.

Bà Varriale được đưa ra nhận định trên khi đánh giá chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên. Còn đối với các tên lửa tầm ngắn, thường được Triều Tiên phóng trong phạm vi “gần nhà”, bà Varriale cho rằng đây là cách để Bình Nhưỡng ngăn ngừa sự can thiệp có thể xảy ra từ phía Hàn Quốc.

“Nếu họ (Triều Tiên) có khả năng phóng tên lửa tầm ngắn, họ có thể sẽ tránh được rủi ro khi buộc phải điều quân đến khu vực biên giới (với Hàn Quốc)”, bà Varriale cho biết thêm.

Theo chuyên gia Varriale, mặc dù Liên Hợp Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và nhiều quốc gia trên thế giới đã từ chối hợp tác thương mại với Bình Nhưỡng, song nước này vẫn tìm cách để có thể thu được nguồn tài chính phục vụ cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Theo đó, Triều Tiên vẫn đang nỗ lực xuất khẩu các mặt hàng như quặng sắt, niken, và đất hiếm sang quốc gia láng giềng là Trung Quốc. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng xuất khẩu nhiều lao động ra nước ngoài, trong đó chủ yếu là khu vực châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Liên Hợp Quốc ước tính số lao động này sẽ mang về cho Bình Nhưỡng từ 1,2-2,3 tỷ USD/năm.

Thành Đạt

Theo Newsweek,Yonhap