Vì sao quân Ukraine dễ dàng vượt phòng tuyến, tiến sâu vào đất Nga?
(Dân trí) - Đường biên giới lỏng lẻo, đòn tập kích bất ngờ và phản ứng bị cho là chậm chạp của Nga là những yếu tố tạo điều kiện cho Ukraine xâm nhập lãnh thổ quốc gia láng giềng.
Sau chiến dịch tấn công bất ngờ của quân đội Ukraine vào vùng Kursk của Nga, Kiev tuyên bố kiểm soát hơn 80 khu định cư, bắt giữ hàng trăm tù binh và buộc hàng chục nghìn dân thường phải sơ tán trong cuộc đột kích lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ sau Thế chiến 2.
Sau hơn một tuần giao tranh, quân đội Nga vẫn vật lộn để đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi biên giới.
Đường biên giới lỏng lẻo
Các vùng Kursk, Bryansk và Belgorod của Nga có chung đường biên giới dài 1.160km với Ukraine, trong đó có một đoạn dài 245km ở tỉnh Kursk. Việc bảo vệ khu vực biên giới này chỉ mang tính biểu tượng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã tăng cường bảo vệ khu vực biên giới bằng các trạm kiểm soát trên các tuyến đường chính và các công sự dã chiến ở một số nơi, nhưng vẫn không có hệ thống phòng thủ kiên cố.
Các đơn vị thiện chiến của quân đội Nga đang chiến đấu ở miền Đông Ukraine. Moscow đã sử dụng các khu vực này để tiến hành các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Ukraine, nhưng không có đủ lực lượng trên bộ ở đó.
Do biên giới lỏng lẻo và thiếu lực lượng bảo vệ, trước chiến dịch Kursk, các cuộc đột kích vào vùng Belgorod và Bryansk của Nga đã nổ ra, nhưng sau đó các lực lượng này đều rút lui.
Máy bay không người lái, thiết bị giám sát và tình báo của Nga tập trung ở miền Đông Ukraine. Điều này giúp Ukraine bí mật kéo quân đến biên giới của Nga dưới sự che chắn của những khu rừng rậm.
"Thật đáng tiếc, nhóm lực lượng bảo vệ biên giới không có lực lượng tình báo riêng", Andrei Gurulev, tướng đã nghỉ hưu và thành viên của hạ viện Nga, bình luận.
Yếu tố bất ngờ
Ukraine đã giữ kín về chiến dịch đột kích vào vùng Kursk của Nga. Các binh lính Ukraine chỉ được thông báo trước một ngày khi cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga bắt đầu.
Việc giữ bí mật này trái ngược hoàn toàn với chiến dịch phản công của Ukraine vào năm ngoái, khi Kiev công khai tuyên bố mục tiêu chính là cắt đứt hành lang đất liền tới bán đảo Crimea, nơi Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.
Chiến dịch phản công của Ukraine sau đó đã thất bại khi quân đội Ukraine lội bộ qua các bãi mìn của Nga và bị pháo binh cũng như máy bay không người lái tấn công dữ dội.
Tuy nhiên lần này, quân đội Ukraine dường như không gặp phải trở ngại nào như vậy khi tiến vào khu vực Kursk.
Các đơn vị cơ giới dày dạn kinh nghiệm của Ukraine dễ dàng áp đảo lực lượng biên phòng Nga, vốn chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, và các đơn vị bộ binh nhỏ gồm lính nghĩa vụ thiếu kinh nghiệm.
Các quan chức Ukraine cho biết hàng trăm người đã bị bắt làm tù binh. Quân đội Ukraine đã tiến sâu vào vùng Kursk theo nhiều hướng, không gặp nhiều sự kháng cự và gieo rắc sự hỗn loạn. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố Kiev đã kiểm soát 1.150km2 lãnh thổ Nga sau hơn một tuần đột kích.
Cuộc đột kích lần này giống với cuộc phản công của Ukraine vào tháng 9/2022. Vào thời điểm đó, lực lượng Kiev đã giành lại quyền kiểm soát khu vực Kharkov ở đông bắc, sau khi tận dụng tình trạng thiếu hụt nhân lực và thiếu các công sự dã chiến của Nga.
"Cho đến nay, Nga đã chịu cú sốc chiến thuật và tác chiến, dẫn đến phản ứng chiến thuật chậm chạp và tạo điều kiện cho Ukraine tiếp tục đột phá các tuyến phòng thủ của Nga", thiếu tướng Australia đã nghỉ hưu Mick Ryan nhận định.
Phản ứng chậm của Nga
Ban đầu, bộ chỉ huy quân sự Nga dựa vào máy bay chiến đấu và trực thăng để cố gắng ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine. Cùng lúc đó, Moscow bắt đầu kéo quân tiếp viện, điều này đã làm chậm bước tiến của Ukraine, nhưng không thể chặn hoàn toàn cuộc đột kích của Ukraine qua những khu rừng rộng lớn.
"Nga dường như thiếu hiệu quả khi phải phản ứng nhanh chóng trong một tình huống như vậy. Các lực lượng Nga phản ứng tốt hơn nhiều khi họ tác chiến với tuyến phòng thủ được chuẩn bị sẵn sàng, các phòng tuyến cố định", nhà phân tích quân sự Michael Kofman của Quỹ Carnegie cho biết.
Chuyên gia Kofman lưu ý rằng lực lượng dự bị của Nga đến khu vực Kursk dường như thiếu kinh nghiệm chiến đấu và gặp khó khăn trong việc phối hợp với nhau.
Trong một trường hợp, một đoàn xe quân sự đã đỗ bất cẩn bên lề đường gần khu vực giao tranh ngay sau khi cuộc xâm nhập bắt đầu và nhanh chóng bị tên lửa của Ukraine bắn trúng.
"Đó là kiểu sai sót mà các lực lượng Nga dọc theo đường kiểm soát thường không mắc phải", chuyên gia Kofman nói.
Trung tá Mattias Puusepp, phó tham mưu trưởng sư đoàn Lực lượng Phòng vệ Estonia, lực lượng Nga bị tấn công bất ngờ và không kịp chuẩn bị cho cuộc đột kích của Ukraine. Ngoài ra, Nga bị cho là cũng phải đối mặt với "vấn đề chỉ huy" ở Kursk.
Theo quan chức Estonia, không có bằng chứng nào cho thấy Nga có đủ lực lượng ở Kursk để tiến hành phản công trong khu vực. Ông Puusepp nhận định Ukraine đã khiến Nga bất ngờ, do vậy quân đội Moscow không thể "phản ứng hiệu quả" với cuộc đột kích.
Lực lượng Nga đã nỗ lực tăng cường phòng thủ, bao gồm việc đào hào, tại vùng Kursk kể từ khi Ukraine phát động cuộc đột kích. Trong khi đó, Kiev vẫn tiếp tục tiến công hàng ngày.
Rủi ro với Ukraine
Ukraine vẫn chưa lên tiếng về việc Kiev có ý định thiết lập vị trí vững chắc ở vùng Kursk hay sẽ rút về lãnh thổ Ukraine. Các nhà phân tích cho biết, lựa chọn ở lại lãnh thổ Nga là phương án rủi ro, vì các tuyến tiếp tế kéo dài sâu vào khu vực này sẽ dễ bị Nga tấn công.
"Ukraine sẽ gặp rủi ro nếu họ chọn cách nỗ lực củng cố và giữ vững vị trí, kéo dài tiền tuyến", Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Royal United Services ở London, cho biết.
Tướng Ryan cảnh báo, tổn thất lớn về lực lượng trong kịch bản này sẽ "trở thành gánh nặng về mặt chiến lược và chính trị" với Ukraine. Ông cho biết điều đó sẽ "làm mất đi thông điệp chiến lược" mà Ukraine đã tạo ra khi mở cuộc tấn công bất ngờ vào Nga.
Theo tướng Ryan, lực lượng Ukraine có thể tìm cách rút lui đến một khu vực có thể phòng thủ tốt hơn gần biên giới hoặc rút hoàn toàn về lãnh thổ Ukraine.