1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao người phương Tây phớt lờ lệnh phong tỏa?

(Dân trí) - Nhiều người dân ở các nước châu Âu và Mỹ vẫn tập trung tại các bãi biển, công viên, khu nghỉ dưỡng, bất chấp khuyến cáo của chính phủ về nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Vì sao người phương Tây phớt lờ lệnh phong tỏa? - 1

Thanh niên vui chơi tại bãi biển Pompano ở Florida, Mỹ ngày 17/3. (Ảnh: AP)

Vào thời điểm hiện nay khi cả thế giới phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn vì dịch Covid-19, cuối tuần có lẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi được nhiều người chờ đợi.

Tuy nhiên, nếu bất kỳ ai chứng kiến cảnh những người đạp xe hay chạy bộ chen chúc tại các công viên ở New York, hay những người leo núi tập trung tại các địa điểm đẹp ở Anh, hoặc các đám đông chuyện trò trên các bãi biển chật cứng người tại California, họ sẽ không thể nghĩ rằng một đại dịch nguy hiểm đang bao trùm cả thế giới.

Khi dịch bắt đầu bùng phát tại Italia, chính quyền nước này đã phong tỏa những “vùng đỏ” bị ảnh hưởng ở khu vực phía bắc. Khi số ca nhiễm tiếp tục lan rộng, Italia đã phong tỏa toàn bộ đất nước vào ngày 9/3. Bất kỳ ai vi phạm lệnh phong tỏa có thể bị phạt 232 USD và 6 tháng tù giam, theo Reuters.

Từ đó đến nay, hàng trăm nghìn người Italia đã bị cảnh sát cảnh cáo vì vi phạm lệnh cấm. Một quan chức Hội Chữ Thập đỏ Trung Quốc tuần trước cho biết các biện pháp của Italia, mặc dù nghiêm khắc nhất trong số các nước châu Âu, song vẫn chưa đủ mạnh.

Ngày 20/3, quân đội Italia đã được huy động để giúp chính quyền thực thi các quy định về lệnh phong tỏa khi số ca tử vong tại nước này liên tục leo thang và các bệnh viện bị quá tải do số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng vọt.

Vào cuối tuần trước, khi Italia ghi nhận hơn 1.400 ca tử vong vì Covid-19 trong 2 ngày, các nhà chức trách buộc phải đưa ra những hạn chế khắt khe hơn đối với cả người dân và doanh nghiệp để kiểm soát dịch.

Mặc dù châu Âu bây giờ đã “vượt” Trung Quốc và trở thành tâm dịch Covid-19 toàn cầu, song nhiều nước phương Tây dường như vẫn chưa rút ra được bài học từ trường hợp của Italia.

Tại London, nơi người dân vẫn đổ xô tới các công viên để tận hưởng những ngày cuối tuần đầy nắng bất chấp khuyến cáo ở trong nhà của chính phủ, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định phát lệnh phong tỏa toàn quốc vào tối 23/3.

"Mọi người chỉ được phép rời khỏi nhà vì những mục đích rất hạn chế như sau", Thủ tướng Johnson nói, đồng thời liệt kê 4 lý do có thể ra ngoài gồm: mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần/một ngày, sử dụng dịch vụ y tế hoặc đi làm nếu công việc thực sự quan trọng.

"Đó là tất cả lý do bạn nên rời khỏi nhà. Mọi người không nên gặp gỡ bạn bè. Nếu bạn của bạn muốn gặp, hãy nói “Không”. Bạn cũng không nên gặp những thành viên gia đình nếu họ không ở cùng nhà với bạn", ông Johnson cho biết.

Thủ tướng Anh cảnh báo cảnh sát sẽ thực thi lệnh phong tỏa bằng việc giải tán các đám đông và xử phạt bất kỳ ai vi phạm

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng những công dân không tuân thủ các biện pháp giữ khoảng cách cộng đồng mà chính phủ khuyến cáo đều là những người "rất ích kỷ". Trong khi đó, Thống đốc New York Andrew Cuomo mô tả những người vẫn tụ tập tại công viên là “sai lầm”, "ngạo mạn" và "vô cảm".

Lệnh chưa đủ mạnh?

Nick Chater, giáo sư về khoa học hành vi tại Trường Kinh doanh Warwick, nhận định với CNN rằng, động thái của các nước phương Tây chưa đủ mạnh. Các lãnh đạo phương Tây vẫn “rất nhiễu loạn trong việc phát đi thông điệp” khi ra lệnh đóng cửa dần các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, trường học trong một tuần qua, đồng thời kêu gọi công chúng nghe khuyến cáo từ giới chức nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Theo ông Chater, khi mọi người được khuyên làm điều gì đó “một cách khá nhẹ nhàng”, họ sẽ không cảm thấy điều đó thực sự cần thiết và phải thực hiện “bằng mọi giá”.

“Bởi vì thông điệp họ nhận được khiến họ cảm thấy mọi thứ không quá quan trọng. Vì nếu thông điệp đó thực sự quan trọng, chúng ta sẽ không nói kiểu như: “Chúng tôi khuyên bạn nên dừng đèn đỏ, chúng tôi khuyên bạn nên lái xe ở phía bên này đường”. Chúng ta chỉ nói rằng: “Bạn phải làm như thế. Nếu bạn không làm như thế, bạn đang phạm luật”, giáo sư Chater nhận định.

Các chính phủ phương Tây vẫn miễn cưỡng trong việc thực thi các biện pháp phong tỏa cứng rắn, trong khi trước đó Trung Quốc đã thực thi nhanh chóng sau khi dịch bắt đầu bùng phát. Thay vào đó, người dân ở các nước như Anh, Đức, Australia chỉ được chính phủ khuyến cáo nên giữ khoảng cách cộng đồng, còn các doanh nghiệp được khuyến cáo cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Mặc dù số ca tử vong và mắc Covid-19 tăng đáng kể, song Đức chỉ ban hành lệnh "cấm tiếp xúc" thay vì phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Angela Merkel hôm 22/3 cho biết Đức sẽ cấm tất cả các cuộc tụ tập từ hai người trở lên, trừ những người sống chung với nhau, nhằm "giảm tiếp xúc" và kiềm chế virus lây lan.

Cuối tuần qua, các đám đông vẫn tập trung ồ ạt tại các bãi biển ở California, Mỹ. Họ leo núi và đi dạo quanh công viên, bất chấp việc chính quyền bang yêu cầu người dân tránh tiếp xúc gần. Bãi biển Bondi nổi tiếng của Australia vẫn chật cứng với hàng nghìn người cho tới khi chính quyền bang đóng cửa bãi biển vào ngày 21/3.

Tại Anh, vào ngày thứ hai đầu tuần, nhiều người vẫn chia sẻ những bức ảnh chụp người đi làm chen chúc trên tàu điện ngầm, mặc dù chính phủ khuyến cáo chỉ những người có công việc thực sự quan trọng mới tới nơi làm việc. 

Nhiều người bức xúc đã chia sẻ trên mạng xã hội các bức ảnh chụp những con đường và điểm du lịch đông đúc, gọi những người phớt lờ quy định phong tỏa là “Covidiots” (Những kẻ ngốc Covid). Những người nghỉ dưỡng thậm chí tràn về những khu vực dân cư hẻo lánh, từ đó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ quá tải tại các bệnh viện nhỏ ở địa phương.

Công viên quốc gia Snowdonia ở Wales cho biết họ đã trải qua "ngày bận rộn đón khách nhất trong lịch sử" và kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp và hướng dẫn rõ ràng hơn.

Tại sao hiện tượng trên xảy ra? Thống đốc California Gavin Newsom hôm qua kêu gọi các thanh niên trẻ tuổi, những người vẫn đổ tới các bãi biển, "đừng ích kỷ". Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon hối thúc người dân "hãy làm điều đúng đắn ngay bây giờ". Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích hành vi "coi thường" các quy định về giữ khoảng cách cộng đồng.

Tuy nhiên giáo sư Chater cho rằng những phát ngôn của các quan chức trên là chưa đủ. 

"Đó là thất bại lớn về mặt tuyên truyền. Hãy nhìn vào Trung Quốc, nhìn vào Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy những chiến lược này thực sự hiệu quả, chứ không chỉ đơn thuần là lý thuyết", ông Chater nói.

"Tại Trung Quốc, điều quan trọng đó là lệnh phong tỏa rất nghiêm khắc, thậm chí mạnh tay hơn mức cần thiết. Nhưng chúng ta đều biết rằng lệnh phong tỏa nghiêm khắc sẽ phát huy tác dụng. Còn ở Hàn Quốc, người dân được tự do đi lại hơn, nhưng họ đã tiến hành xét nghiệm cực kỳ gắt gao trên quy mô lớn. Có lẽ cần kết hợp cả hai chiến lược trên", ông Chater nhận định.

Trong một số ngày gần đây, Trung Quốc không ghi nhận các ca nhiễm mới trong nước sau khi áp lệnh phong tỏa sớm và nghiêm ngặt, mặc dù biện pháp này khiến người dân không thể rời khỏi nhà trong suốt hơn một tháng qua và khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm.

Giữ khoảng cách cộng đồng được cho là biện pháp hiệu quả nhất trong việc giữ tỷ lệ nhiễm bệnh thấp tại Hong Kong, dù số ca nhiễm đang tăng trở lại. Những người mới đến Hong Kong sẽ được cấp một thiết bị đeo tay điện tử giúp theo dõi liệu họ có vi phạm lệnh cách ly hay không.

Một số quốc gia châu Âu đang hành động nhiều hơn nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tại Pháp, hàng nghìn người đã bị phạt vì vi phạm lệnh phong tỏa, trong khi nhiều công viên và bãi biển bắt đầu đóng cửa.

Tuy nhiên, theo giáo sư Chater, nếu các nhà lãnh đạo châu Âu muốn làm nhiều hơn, họ cần biến những lời khuyên thành mệnh lệnh "bắt buộc" trước khi quá muộn.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm