1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Người châu Âu vẫn tụ tập, lách luật bất chấp dịch bệnh leo thang

(Dân trí) - Nhiều người châu Âu vẫn đổ xô tới các bãi biển, tìm cách lách luật phong tỏa, thậm chí tấn công cảnh sát khi bị nhắc nhở về việc tránh tụ tập đông người giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát.

Người châu Âu vẫn tụ tập, lách luật bất chấp dịch bệnh leo thang - 1

Những người đeo khẩu trang khi dự lễ hội ở Venice, Italia. (Ảnh: Reuters)

Những thanh niên Đức tổ chức “tiệc corona” và ho vào người già. Một người đàn ông Tây Ban Nha lùa dê ra ngoài để lách lệnh phong tỏa. Từ Pháp cho tới Mỹ hay Australia, những người lướt ván, các sinh viên đại học và nhiều người khác vẫn tập trung đông đúc trên các bãi biển, bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19).

Việc chống đối quy định phong tỏa cũng như khuyến cáo của giới khoa học trong cuộc chiến với đại dịch buộc các nhà chức trách phải mạnh tay với những người đang tìm cách thoát ra khỏi cảm giác bị “tù túng” do các lệnh hạn chế đi lại và tụ tập. Trong một số trường hợp, những người chống đối còn đe dọa cảnh sát khi các nhà chức trách không đồng tình với việc tập trung đông người vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus.

“Một số người tự coi mình là anh hùng khi vi phạm các quy định. Không. Bạn là kẻ ngu ngốc, và là mối đe dọa với chính bản thân bạn”, AP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói.

Theo Reuters, số ca tử vong vì Covid-19 tại các bệnh viện ở Pháp đã tăng thêm 112 người trong ngày 22/3, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 674. Giới chức Pháp cho biết số ca mắc Covid-19 tại nước này cũng tăng thêm 11% trong 24 giờ, lên 16.018 trường hợp.

Sau nhiều ngày xảy ra tình trạng vi phạm lệnh phong tỏa, bao gồm yêu cầu người dân chỉ ở trong nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, Pháp ngày 20/3 đã triển khai lực lượng an ninh tới các ga tàu để ngăn người dân không di chuyển tới các khu nghỉ dưỡng, từ đó mang virus tới khu vực nông thôn hay bãi biển - những nơi có cơ sở y tế còn kém phát triển.

Lối đi bộ nổi tiếng dọc sông Seine ở thủ đô Paris bị đóng lại và lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được áp dụng tại thành phố Nice, sau khi Thị trưởng Christian Estrosi bị nhiễm virus corona. Australia cũng đóng cửa bãi biển Bondi nổi tiếng tại thành phố Sydney sau khi xuất hiện các bức ảnh chụp đám đông trên bãi biển khiến cảnh sát giận dữ.

Các nhà chức trách tại bang Florida, Mỹ cũng đóng cửa một số bãi biển nổi tiếng nhất của bang này, sau khi truyền hình chiếu hình ảnh các sinh viên đang trong thời kỳ nghỉ xuân tập trung đông đúc trên bãi biển trong nhiều ngày.

Theo Reuters, Mỹ hiện là điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italia. Mỹ hiện ghi nhận hơn 32.000 ca mắc Covid-19, trong đó ít nhất 400 trường hợp đã tử vong. Dịch đã lan ra toàn bộ 50 bang của Mỹ.

Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 21/3 cảnh báo những người trong độ tuổi từ 18 tới 49 chiếm hơn một nửa trong số các ca mắc Covid-19 tại bang này.

“Các bạn không phải là siêu nhân”, Thống đốc Cuomo nói.

Theo ông Cuomo, tại công viên rộng lớn ở thành phố New York, nhiều người vẫn không tuân thủ khuyến cáo về “cách biệt cộng đồng” nhằm giữ khoảng cách với nhau, trước khi lệnh cấm tập trung theo nhóm có hiệu lực từ tối 22/3.

“Bạn rốt cuộc có thể làm tổn thương những người bạn yêu quý, hoặc vô tình làm tổn thương những người khác. Cách biệt cộng đồng đang phát huy hiệu quả, bạn cần thực hiện cách biệt cộng đồng ở mọi nơi”, Thống đốc New York cho biết.

Siết chặt kiểm soát

Người châu Âu vẫn tụ tập, lách luật bất chấp dịch bệnh leo thang - 2

Hai thanh niên chơi trò vật nhau trên bãi biển Pompano, bang Florida, Mỹ ngày 17/3. (Ảnh: AP)

Khi số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc giảm xuống còn 0 người trong nhiều ngày liên tiếp, Tiến sĩ Pháp Philippe Klein, người đứng đầu Phòng khám Quốc tế Vũ Hán, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nhiều người ở những nơi khác không tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh.

Ông Klein nói rằng mọi người nên học cách tự cách ly của hàng chục triệu người tại Trung Quốc như một hình mẫu để thử thách “sự dũng cảm, kiên nhẫn và đoàn kết” trong cuộc chiến với dịch bệnh.

“Tôi khuyên các bạn, những người Pháp, hãy áp dụng những quy định như vậy”, Tiến sĩ Klein nói.

Những người chống đối lệnh phong tỏa thuộc nhiều nhóm đối tượng, từ các thanh thiếu niên hiếu động cho tới những người trưởng thành giàu có sẵn sàng đi du lịch xa. Ngay ở Italia, các nhà chức trách vẫn đang phải tìm cách hạn chế việc người dân đi ra ngoài để hưởng không khí trong lành, tắm nắng hay thăm bạn bè để thoát khỏi cuộc sống bị “bao vây” bởi những bức tường.

Theo AFP, Italia ngày 22/3 ghi nhận thêm 651 ca tử vong vì Covid-19, nâng số người chết tại đây lên 5.476 trường hợp. Ngoài ra, Italia cũng ghi nhận thêm 5.560 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 59.138 ca.

Ở Clichy-Sous-Bois, một vùng ngoại ô Pháp, một đối tượng thậm chí đã cắn cảnh sát đang thực thi lệnh phong tỏa. Nhiều người còn dọa khạc nhổ vào cảnh sát khi họ tới giải tán đám đông ở thành phố Lyon.

Tại bang Bavaria, miền nam Đức, Thống đốc Markus Soeder than phiền rằng “vẫn có những bữa tiệc corona được tổ chức, vẫn có những người trẻ ho vào người lớn tuổi và hét lên "corona" để đùa giỡn và vẫn có nhiều nhóm tụ tập”.

Cảnh sát tại Tây Ban Nha, nơi có số người mắc Covid-19 nhiều thứ 2 tại châu Âu, sử dụng cả trực thăng để phát hiện các nhóm người tụ tập bên ngoài, sau đó các đặc vụ được triển khai để giải tán đám đông.

Tại vùng Catalonia ở đông bắc Tây Ban Nha, cảnh sát đã chia sẻ bức ảnh chụp một người đàn ông dắt dê ra ngoài đường. Đây rõ ràng là hành động lách luật để lợi dụng việc chính quyền cho phép người dân dắt thú đi dạo một đoạn ngắn.

Tổng số người tử vong vì Covid-19 tại Tây Ban Nha cho đến nay đã lên tới 1.720 trường hợp, trong khi số người nhiễm bệnh tại nước này cũng tăng vọt lên 28.572.

Pháp hiện triển khai 100.000 nhân viên an ninh trên các tuyến đường để xử phạt bất kỳ ai vi phạm quy định “ở trong nhà”. Giới chức nước này cảnh báo lệnh phong tỏa 2 tuần có thể sẽ được kéo dài thêm nếu tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp tiếp tục tăng lên so với con số 15.000 ca nhiễm ở thời điểm hiện tại.

Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cũng cố gắng thuyết phục người dân ở trong nhà, đồng thời cảnh báo rằng các biện pháp ngăn chặn virus trong tương lai đều phụ thuộc vào “hành vi” của mọi người.

 

Thành Đạt

Tổng hợp