1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Donbass trở thành tâm điểm trong khủng hoảng Nga - Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Quyết định của Nga công nhận độc lập cho Donbass - vùng đất ly khai ở miền Đông Ukraine một lần nữa khiến nơi này trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Vì sao Donbass trở thành tâm điểm trong khủng hoảng Nga - Ukraine? - 1

Chiến sự miền Đông Ukraine vẫn âm ỉ 8 năm qua, thậm chí có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột lớn hơn (Ảnh: Reuters).

Gần 8 năm qua, tại Donbass, khu vực miền Đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, chiến sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn vẫn âm ỉ. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, căng thẳng này đã bùng phát trở lại với các cuộc pháo kích liên tục qua ranh giới giữa khu vực do chính quyền Kiev kiểm soát và khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát.

Căng thẳng có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột lớn hơn nữa sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký sắc lệnh công nhận độc lập cho Donbass. Sắc lệnh đánh dấu lần đầu tiên Nga không coi Donbass là lãnh thổ thuộc Ukraine.

Từ trung tâm công nghiệp đến "chảo lửa" xung đột

Theo Aljazeera, Donbass vốn là một trung tâm của ngành công nghiệp khai thác than, luyện kim đen và kim loại màu của Ukraine. Donbass cũng từng là một trong các khu vực đô thị hóa nhất của Ukraine, có thời điểm khoảng 90% dân số sinh sống tại thành thị.

Tuy nhiên, giờ đây, Donbass giống như một vùng đất bị bỏ quên, "đóng băng" cả về kinh tế lẫn chính trị với cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng bởi chiến sự âm ỉ suốt 8 năm qua.

Donbass trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine khi chiến sự giữa phe ly khai và quân đội Ukraine nổ ra ở đây từ năm 2014, sau sự kiện Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Phe ly khai được cho là có sự hậu thuẫn của Nga đã nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát các tòa nhà chính quyền tại các thành phố, thị trấn ở khu vực miền Đông này.

Lực lượng ly khai sau đó giành quyền kiểm soát một phần Donetsk và Lugansk, lập ra Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR), song không được quốc tế công nhận, ngoại trừ Nga và Syria. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.
Chiến sự ở Donbass chỉ tạm lắng xuống sau khi Bộ tứ Normandy, gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức, ký Thỏa thuận Minsk tại Belarus năm 2015 để vạch lộ trình chấm dứt giao tranh tại đây.

Mặc dù vậy, kể từ đó đến nay, thỏa thuận ngừng bắn này vẫn không được tuân thủ đầy đủ, khiến giao tranh lẻ tẻ giữa hai bên vẫn nổ ra.

Theo chính quyền Ukraine, hơn 14.000 người đã thiệt mạng, khoảng 1,5 triệu người buộc phải bỏ nhà cửa kể từ khi chiến sự Donbass nổ ra năm 2014.

Giới chức Ukraine và phương Tây cáo buộc, lực lượng ly khai ở miền Đông có được sự hậu thuẫn đáng kể từ Nga. Mặc dù Moscow nhiều lần khẳng định không có binh sĩ nào của họ tham chiến ở Donbass, nhưng Mỹ, NATO và Ukraine nói rằng Nga hỗ trợ cả tài chính và quân sự cho vùng ly khai miền Đông Ukraine. Nga cũng cấp hơn 800.000 hộ chiếu cho người ở Donbass trong những năm gần đây - một động thái mà phương Tây tin rằng có thể giúp Moscow mở rộng dần tầm ảnh hưởng với vùng đất này của Ukraine.

Vì sao Donbass trở thành tâm điểm trong khủng hoảng Nga - Ukraine? - 2

Vùng ly khai Donetsk và Lugansk/Luhansk do lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine kiểm soát (Ảnh: Aljazeera).

"Hiệp ước Minsk không còn tồn tại"

Ra đời năm 2015, Thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Thỏa thuận còn quy định tổ chức đối thoại về bầu cử địa phương tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát, khôi phục các liên kết kinh tế và xã hội đầy đủ giữa hai bên. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine. Chính phủ Ukraine cũng nhất trí cải cách hiến pháp, nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass.

Việc thực thi đầy đủ các Thỏa thuận Minsk sẽ loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO. Theo các giải thích của Nga, các Thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Điều này dẫn đến khả năng phủ quyết các quyết sách về đối ngoại của chính quyền.

Vì sao Donbass trở thành tâm điểm trong khủng hoảng Nga - Ukraine? - 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tuy vậy, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 22/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, thực tế Thỏa thuận Minsk "không còn tồn tại" và việc Moscow công nhận độc lập cho Donbass là kết quả trực tiếp của sự thất bại trong thực thi các thỏa thuận này.

"Tất nhiên, Thỏa thuận hòa bình Minsk không còn tồn tại. Còn gì để thực hiện khi chúng tôi đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk?", Tổng thống Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, quyết định có điều quân đến miền Đông Ukraine hay không hiện giờ phụ thuộc vào tình hình thực địa. Thượng viện Nga hôm qua cũng đã nhất trí với đề xuất của Tổng thống Putin, cho phép sử dụng lực lượng quân sự ở nước ngoài với vai trò lực lượng gìn giữ hòa bình.

Chủ nhân Điện Kremlin cũng nêu rõ thêm về việc công nhận "độc lập, chủ quyền" của Donbass. Theo đó, Nga công nhận độc lập đối với toàn bộ lãnh thổ hành chính của tỉnh Donetsk và Lugansk trước khi ly khai, nghĩa là bao gồm cả phần lãnh thổ mà chính quyền Kiev đang kiểm soát tại 2 tỉnh này.

"Chúng tôi công nhận họ, đồng nghĩa với công nhận tất cả tài liệu cơ bản của họ, trong đó có hiến pháp. Hiến pháp đã vạch rõ các đường biên giới trong khu vực Donetsk và Lugansk vào thời điểm họ còn là một phần của Ukraine", Tổng thống Putin nêu rõ.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm