"Vật liệu máy bay" khiến phương Tây không thể cắt đứt hoàn toàn với Nga
(Dân trí) - Phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng họ lại đặt ra ngoại lệ cho một số nguyên liệu không thể thay thế vì sự phụ thuộc quá lớn vào Nga.
Trong thời gian qua, Mỹ và phương Tây nhiều lần ý thức được việc họ phải thoát sự phụ thuộc vào các đối thủ trong những hàng hóa, nguyên liệu có tính quan trọng chiến lược.
Theo Eurasian Times, có 2 nguyên liệu mà nền công nghiệp quân sự và công nghiệp hàng không của Mỹ đang chưa thể tìm được nguồn thay thế khiến họ phải chấp nhận dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc cũng như Nga.
Mỹ sở hữu quân đội lớn nhất thế giới, với ngân sách quốc phòng đứng vị trí thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của họ vào các đối thủ trong các nguyên liệu chủ chốt để chế tạo vũ khí lại là các chuyên gia cho rằng cần được để tâm.
Một nguyên liệu mà Mỹ rất cần nguồn cung của Trung Quốc là "antimony". Đây là chất rất quan trọng sử dụng trong việc sản xuất các khí tài tiên tiến như kính nhìn đêm, đạn xuyên giáp, chất nổ và vũ khí hạt nhân. Nhưng nguồn cung nguyên liệu này ở Mỹ đang bị thiếu hụt, khiến nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, và ở mức độ thấp hơn là Nga.
Trong khi đó, một nguyên liệu khác mà Mỹ cũng như các nước Đông Âu đang phụ thuộc rất lớn vào Nga chính là titan. Titan và hợp kim titan có những đặc tính độc đáo: Chúng nhẹ và có tỷ lệ sức bền trên trọng lượng rất cao.
Chúng chịu được nhiệt độ cao và có khả năng chống ăn mòn tốt. Những đặc tính này đã khiến titan được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, tàu, đường ống xử lý hóa chất, các bộ phận của nhà máy điện, nhà máy khử muối và các ứng dụng y tế như thiết bị phẫu thuật, cấy ghép.
Titanium là nguyên liệu quan trọng nhất đối với các sản phẩm hàng không, động cơ, cả với mục đích quân sự và dân sự, do nó bền nhưng nhẹ cũng như có thể chống ăn mòn. Nó được gọi là "vật liệu máy bay" vì tầm quan trọng chưa thể thay thế trong ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm này.
Hợp kim titan chiếm khoảng 15% trọng lượng của khung máy bay Boeing 787. Trong máy bay Airbus A350XWB, tỷ lệ này chiếm khoảng 14%. Nó được sử dụng trong càng hạ cánh, giá treo, khung cùng các bộ phận khác.
Điều này lý giải vì sao Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chưa thể đưa titan của Nga vào danh sách trừng phạt do Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trên thực tế, Airbus - hãng sản xuất máy bay lớn nhất châu Âu - cảnh báo rằng, việc dừng nhập titan từ Nga sẽ gây ra tổn thương lớn cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của châu Âu hơn là Moscow. Giống như với dầu khí, sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga với các nguồn cung nguyên liệu quan trọng khiến họ không thể cắt đứt hoàn toàn với Moscow.
Có thể nói, các hãng sản xuất máy bay phương Tây đã phụ thuộc chặt chẽ vào titan từ Nga trong hàng chục năm qua. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ âm thầm nhập titan từ Liên Xô dù quan hệ 2 bên trong tình trạng leo thang căng thẳng.
Mỹ hiện đang nỗ lực để thoát phụ thuộc nguồn cung titan vào Nga, cũng như các nguyên liệu khác để giảm bớt rủi ro Washington có thể đối mặt trong tương lai.