1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hungary: Cấm vận dầu Nga giống tự thả bom hạt nhân vào nền kinh tế

Minh Phương

(Dân trí) - Thủ tướng Hungary cho rằng, đề xuất của Ủy ban châu Âu cấm vận hoàn toàn dầu thô Nga là "không thể chấp nhận được".

Hungary: Cấm vận dầu Nga giống tự thả bom hạt nhân vào nền kinh tế - 1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh: EPA).

Theo hãng tin RT, phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Kossuth hôm 6/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chỉ trích kế hoạch của Liên minh châu Âu về chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu thô từ Nga. Ông cho rằng, một lệnh cấm vận như vậy không khác nào "thả một quả bom hạt nhân" xuống nền kinh tế của Hungary.

Ông cảnh báo, nếu kế hoạch này được thực thi, giá nhiên liệu ở Hungary sẽ tăng vọt, tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp và có thể kéo theo tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong dài hạn.

Nhà lãnh đạo Hungary cũng nhắc lại việc trước đó các nước thành viên EU đã nhất trí bất cứ quyết sách nào của khối liên quan đến năng lượng cũng cần phải xét đến tình hình của từng quốc gia. Ông cảnh báo, lệnh cấm dầu mỏ Nga có nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của EU.

Hungary nhập khẩu 65% nhu cầu dầu mỏ, bao gồm cả các sản phẩm tinh chế từ Nga. Thủ tướng Orban cho biết, nước này cần ít nhất 5 năm và một khoản đầu tư lớn vào các nhà máy lọc dầu và đường ống để có thể giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. "Chúng tôi cần 5 năm đề hoàn thành quá trình này, một năm rưỡi là không đủ", nhà lãnh đạo Hungary nói.

Theo ông, những nước có cảng biển thuận lợi hơn rất nhiều vì có thể tận dụng nguồn cung thông qua tàu biển, trong khi những quốc gia như Hungary phụ thuộc hoàn toàn vào các đường ống.

Đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố đề xuất của cơ quan này về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có đề xuất cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ Nga trong vòng 6 tháng. Kế hoạch này cho phép các thành viên gồm Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia tiếp tục mua dầu của Nga đến giữa hoặc cuối năm 2024.

Kế hoạch này sau đó đã được điều chỉnh lên thành 9 tháng. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/5, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết: "Đề xuất của chúng tôi là cấm vận dầu của Nga, tùy thuộc vào các loại sản phẩm dầu mỏ, trong vòng 9 tháng. Các thời hạn ngắn hơn sẽ gây ra tác động tiêu cực đến giá dầu toàn cầu, điều này mâu thuẫn với mục tiêu của chúng tôi".

Hungary không phải là quốc gia duy nhất phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga. Hiện Slovakia, Áo, Romania và Séc là những nước đang phải phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga cũng chưa sẵn sàng từ bỏ nhập khẩu dầu mỏ Nga. Các nước này đề nghị lùi thời gian áp dụng chung cho EU từ 2-3 năm.

Về phần mình, bà Leyen thừa nhận không dễ dàng có được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong khối về lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga do nhiều nước vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ đây. Tuy vậy, bà vẫn tin tưởng EU sẽ đạt được thỏa thuận.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm