1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine vượt qua lằn ranh đỏ nữa của Nga?

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Ukraine tiếp nhận máy bay chiến đấu F-16 từ phương Tây đã vượt qua "lằn ranh đỏ" Nga đề ra, nhưng dường như Kiev không vấp phải động thái đáp trả mạnh mẽ nào của Moscow như cảnh báo.

Ukraine vượt qua lằn ranh đỏ nữa của Nga? - 1

Một máy bay F-16 của Không quân Đan Mạch (Ảnh: Getty).

Ukraine đầu tuần này xác nhận đã tiếp nhận lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ phương Tây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky  đã cảm ơn Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ, những nước trong liên minh F-16 cam kết hỗ trợ để Kiev sở hữu và vận hành chiến đấu cơ thế hệ thứ tư này.

Theo Economist, đến nay, Kiev đã nhận được 10 trong số 79 máy bay F-16 phương Tây cam kết viện trợ. Con số này có thể tăng gấp đôi vào cuối năm nay khi có nhiều phi công Ukraine được đào tạo đủ điều kiện vận hành F-16 hơn.

Việc tiếp nhận từ phương Tây các máy bay phản lực có thể mang bom, rocket và tên lửa khiến Ukraine một lần nữa vượt qua lằn ranh đỏ mà Nga đã nêu ra.  

Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga coi nhẹ tác động của chiến đấu cơ F-16 trên chiến trường Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định, lập trường này đã làm suy yếu cảnh báo của Nga rằng sự xuất hiện của loại máy bay này là  "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua.

Theo ISW, các nhà bình luận và quan chức Nga thường cảnh báo việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ vi phạm lằn ranh đỏ và có thể buộc Moscow đáp trả cứng rắn hơn.

"Hệ thống phòng không mạnh có nghĩa là không bên nào có thể đạt được ưu thế trên không. Máy bay F-16 sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc đánh chặn máy bay không người lái và trực thăng mà Nga sử dụng để hỗ trợ cho cuộc tấn công trên bộ của họ", Peter Rutland, một chuyên gia về Nga và là giáo sư tại Đại học Wesleyan, nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Nhưng chúng không phải là yếu tố thay đổi cục diện chỉ sau một đêm và có thể kích hoạt phản ứng leo thang từ Moscow.

Lằn ranh đỏ 

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các đồng minh của Ukraine, đứng đầu là Mỹ, đã điều chỉnh viện trợ quân sự để tránh leo thang xung đột.

Năm ngoái, báo Kyiv Post đưa tin Nga đưa ra 15 tuyên bố chính thức về "lằn ranh đỏ", so với 24 tuyên bố trong năm đầu cuộc chiến.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nguy cơ tấn công hạt nhân có thể xảy ra nếu Ukraine và phương Tây vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow, dù lằn ranh đỏ là gì vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng.

Vũ khí của Mỹ cung cấp cho Kiev đã chuyển từ tên lửa Javelin và Stinger sang HIMARS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) và lựu pháo M777.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, Mỹ phớt lờ cảnh báo của Moscow về việc cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine.

Washington và các đồng minh cũng bắt đầu viện trợ hệ thống phòng không Patriot cho Kiev mà không nhận lại bất cứ động thái đáp trả cứng rắn nào của Nga.

Moscow từng cảnh báo Kiev về việc sử dụng tên lửa phương Tây để tập kích lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, những cuộc tấn công như vậy đã xảy ra và có chiều hướng gia tăng.

ISW viện dẫn những trường hợp này để chỉ rõ việc Moscow đặt ra các lằn ranh đỏ là "một chiến thuật kiểm soát phản ứng nhằm buộc phương Tây phải tự kiềm chế không cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine".

Hải Đăng - Anh Ngọc

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine