1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine và phương Tây sắp vượt "lằn ranh đỏ" của Nga?

An Hoàng

(Dân trí) - Việc Washington và đồng minh "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga dường như sẽ chạm đến "lằn ranh đỏ" của Nga.

Ukraine và phương Tây sắp vượt  lằn ranh đỏ của Nga? - 1

Binh sĩ Ukraine bảo vệ phòng tuyến ở Kharkov (Ảnh: Getty).

Trong những tháng qua, Ukraine nhiều lần thúc giục Mỹ và các đồng minh cho phép sử dụng vũ khí do các nước này cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga trong bối cảnh Moscow liên tiếp giành được thắng lợi tại Kharkov.

"Washington đã phải thích nghi và điều chỉnh vì cuộc xung đột. Điều này phản ánh lập trường của Mỹ trong việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

Nhà Trắng tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev từ tên lửa  phòng không vác vai Javelin và Stinger đến hệ thống pháo phản lực HIMARS, xe tăng M1 Abrams. Mỹ cũng bật đèn xanh cho đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Song, các vũ khí có khả năng tấn công tầm xa, điển hình là Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội (ATACMS), vẫn chưa được Mỹ chấp thuận, chứng tỏ chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn e ngại viễn cảnh căng thẳng leo thang.

Điện Kremlin nhiều lần nhắc đến khái niệm "lằn ranh đỏ" trong cuộc xung đột với Ukraine, thậm chí từng đề cập đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp họ nhận thấy mối đe dọa đối với sự tồn tại của quốc gia.

Tính đến hiện tại, Nga chưa đáp trả các quốc gia phương Tây ủng hộ Kiev như từng tuyên bố. Tuy nhiên, trong trường hợp Ukraine vượt qua "lằn ranh đỏ", bối cảnh này chưa chắc được duy trì, nhất là sau các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.

Nicolò Fasola, Tiến sĩ nghiên cứu ngành Chính trị tại Đại học Bologna, cho biết: "Nga có giới hạn của riêng họ. Tới thời điểm giới hạn này bị phá vỡ, họ sẽ có những động thái đáp trả tương xứng. Về mặt chiến lược, đây có xem là một bước leo thang đáng kể đối với Nga".

"Nga có thể sẽ tiến hành hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu khác nhau. Một trong số các mục tiêu có thể kể đến bao gồm tài sản của Ukraine trên lãnh thổ Ba Lan. Không loại trừ khả năng Moscow tìm cách chứng minh năng lực vũ khí hạt nhân chiến thuật", chuyên gia này phân tích.

Đe dọa trả đũa

Ukraine và phương Tây sắp vượt  lằn ranh đỏ của Nga? - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, Nga sẽ cấp vũ khí cho quốc gia khác để tấn công bất cứ nước nào cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga (Ảnh: AFP).

Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/5 tuyên bố Moscow sẽ trả đũa bằng cách nhắm vào các mục tiêu của Anh nếu Ukraine sử dụng vũ khí do London cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Theo Matthew Hoh, Phó Giám đốc Mạng truyền thông Eisenhower (EMN),  mối đe dọa này hoàn toàn có thể được áp dụng với Mỹ với điều kiện tương tự.

"Nga hoàn toàn có khả năng  bắn hạ máy bay trinh sát, UAV, các phương tiện hậu cần của NATO được cho là đang chở vũ khí và vật liệu vào Ukraine", ông Hoh nhận định.

Trước đó, hồi tháng 3, ông Hoh từng cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) về nguy cơ xung đột leo thang tiềm tàng trong xung đột Nga - Ukraine. "Mối nguy hại hàng đầu là khi vũ khí của phương Tây được dùng để nhắm vào mục tiêu dân sự của Nga. Nếu đó là một ngôi trường, chúng ta sẽ không thể lường trước được phản ứng của Điện Kremlin", chuyên gia này phân tích.

Ông tiếp tục: "Cá nhân tôi không cho rằng Nga sẽ đi xa tới mức tấn công các mục tiêu quân sự của phương Tây bên ngoài Ukraine. Tôi nghĩ đây là dạng "leo thang xung đột" mà Nga không hề mong muốn. Phương án này đem lại quá ít lợi ích trong khi rủi ro cực lớn".

Trên thực tế, chính quyền Moscow đã ngừng sử dụng các cụm từ "lằn ranh đỏ" và "tấn công vào các trung tâm đầu não" hồi tháng 9/2023.

Zev Faintuch, chuyên gia phân tích tình báo cấp cao tại Công ty An ninh Global Guardian, cho biết: "Nếu coi bán đảo Crimea là "lằn ranh đỏ" của Nga, ranh giới này đã bị vượt qua".

Ông lập luận: "Crimea cũng đang bị tấn công, giống như các mục tiêu ở Belgorod, Bryansk, Kursk và nhiều khu vực lân cận khác. Moscow thực sự không thể phủ nhận điều này".

Cũng theo ông Faintuch, hàng loạt vụ cháy không rõ nguyên nhân đang bùng phát trên khắp các quốc gia NATO mà nhiều ý kiến quy trách nhiệm cho Moscow.

"Chúng tôi đã thấy Nga luyện tập với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Khó có khả năng họ sẽ tổ chức đợt tấn công quy mô lớn vào một quốc gia NATO", chuyên gia này nhận xét.

Ngoài ra, theo ông Faintuch, điều làm lệch cán cân cuộc chiến Nga - Ukraine là bom lượn hạng nặng của Moscow.

"Chúng rẻ, dồi dào và một khi bom đã thả xuống thì gần như không thể bị bắn hạ. Phương án đánh chặn duy nhất là phá hủy máy bay ném bom trên bầu trời, hoặc tốt hơn cả là ngay từ khi chúng chưa cất cánh. Đây sẽ là lúc mà vũ khí của phương Tây phát huy tác dụng", ông Faintuch nói.

Ông phân tích thêm: "Ukraine cần tăng cường tấn công vào những quả bom hiện được bố trí bên trong lãnh thổ Nga. Máy bay chiến đấu có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ này".

Theo Roger Hilton, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Tổ chức Tư vấn GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia,  quyết định của Mỹ cho phép Ukraine tấn công vào Nga được thúc đẩy bởi tình trạng an ninh mong manh ở Kharkov, tỉnh đông bắc Ukraine.

"Nếu Mỹ và NATO không thay đổi chính sách, khả năng Kiev hứng chịu những tổn thất lớn sẽ càng cao", chuyên gia Hilton nói.

Chuyên gia này cũng lưu ý: "Việc điều chỉnh chính sách không ảnh hưởng đến cam kết lâu dài của Washington nhằm tránh châm ngòi cho Thế chiến thứ III".

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine