1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga phản pháo "lằn ranh đỏ" của Mỹ, dọa đáp trả đau đớn

Thành Đạt

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã chỉ trích phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington không cho phép Ukraine tấn công thủ đô Moscow.

Nga phản pháo lằn ranh đỏ của Mỹ, dọa đáp trả đau đớn - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin (Ảnh: Tass).

"Phát biểu của ông Biden là một bằng chứng rõ ràng khác cho thấy sự giả dối trong luận điểm của Mỹ về những quyết định được cho là độc lập của Ukraine trong việc phản kháng Nga và nói chung là về chính sách của chính quyền Ukraine", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 6/6.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã vạch ra "lằn ranh đỏ" cho vũ khí của Mỹ cấp cho Ukraine trong cuộc phỏng vấn hôm 6/6. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng Mỹ cho phép Ukraine tấn công khu vực gần biên giớ,i nhưng không được phép tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và "không cho phép (Ukraine) tấn công vào (thủ đô) Moscow cũng như Điện Kremlin".

"Bây giờ chúng tôi thấy rằng chính Washington đang đưa ra các mục tiêu, chỉ đạo và vạch ra khu vực có thể tiến hành các hoạt động quân sự cho chính quyền Kiev. Tất cả điều này chỉ xác nhận rằng chính quyền Kiev không độc lập và hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ", nhà ngoại giao Nga nói thêm.

"Tôi cho rằng bất kỳ nỗ lực nào xâm phạm lãnh thổ Nga, bất kể ở vị trí nào, cũng sẽ bị đáp trả thích đáng và những người cố gắng bao vây chúng tôi theo cách này sẽ phải hối hận một cách đau đớn", ông Galuzin cảnh báo.

Tổng thống Biden xác nhận trong cuộc phỏng vấn rằng, ông lo ngại về phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước sự thay đổi chính sách của Mỹ về các cuộc tấn công xuyên biên giới. Tổng thống Nga trước đó gọi quyết định này đồng nghĩa với việc xác nhận các quốc gia phương Tây đã "tham gia trực tiếp vào cuộc chiến".

Quyết định của Mỹ cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công "có giới hạn" vào Nga đã được một số cơ quan truyền thông phương Tây đưa tin vào tuần trước và sau đó được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận. Quyết định được đưa ra ngay sau cuộc tấn công của Nga ở khu vực biên giới Kharkov của Ukraine, khiến quân đội Kiev bị đẩy lùi, trong khi Nhà Trắng lo ngại rằng Moscow có thể chiếm được Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Hôm 5/6, Tổng thống Putin lên án Mỹ và các thành viên NATO khác cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa có thể được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đồng thời cảnh báo động thái này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột và có thể gây phản tác dụng đối với phương Tây.

Đặc biệt, ông gợi ý rằng Moscow có thể lựa chọn phản ứng "bất đối xứng" và gửi vũ khí tương tự tới nhiều nơi trên thế giới, nơi chúng có thể được sử dụng để tấn công các địa điểm nhạy cảm của các quốc gia ủng hộ Ukraine.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin hôm 4/6 tuyên bố cách hiệu quả nhất và nhanh nhất để chấm dứt xung đột ở Ukraine là phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.  

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuần này cũng nói rằng để hai bên có thể đàm phán chấm dứt xung đột, "phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine và chính quyền Kiev phải chấm dứt các hoạt động quân sự của mình".

Theo Tass