1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tuyên bố có tên lửa đạn đạo mới, cỗ máy chiến tranh tăng tốc

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Phát biểu tại cuộc họp báo cuối tháng 8, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo, Ukraine đã tiến hành thử thành công tên lửa đạn đạo tự sản xuất đầu tiên trong nước.

Ukraine tuyên bố có tên lửa đạn đạo mới, cỗ máy chiến tranh tăng tốc - 1

Ukraine bắn tên lửa đạn đạo Tochka-U vào mục tiêu Nga (Ảnh minh họa: AFUStratCom).

"Có thể còn quá sớm để nói về vấn đề này nhưng tôi muốn chia sẻ nó với các bạn", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói khi đề cập đến vụ thử tên lửa đạn đạo vào ngày 27/8 tại Diễn đàn Độc lập Ukraine 2024 ở Kiev.

Nhà lãnh đạo không cung cấp thêm thông tin chi tiết về tên lửa và hiện không có thông tin công khai nào về khả năng của vũ khí mới.

Thông báo này, cùng với một thông báo khác chỉ vài ngày trước đó cho biết, Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa tự chế mới của mình, Palianytsia.

Khi các đối tác phương Tây tiếp tục hạn chế việc Kiev sử dụng vũ khí do họ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vì lo ngại leo thang, những thông báo cho thấy Ukraine đang ngày càng hướng nội để tăng cường sức chiến đấu với Nga trong cuộc xung đột kéo dài gần ba năm qua.

Vậy, việc phát triển tên lửa đạn đạo của riêng mình đối với Ukraine có ý nghĩa như thế nào và nó có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến?

Tên lửa đạn đạo uy lực ra sao?

Nói chung, thuật ngữ "tên lửa" bao gồm toàn bộ các loại vũ khí, từ một quả Javelin nhỏ phóng trên vai được thiết kế để tiêu diệt xe tăng cho đến vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt toàn bộ thành phố.

Bất kể mục đích của chúng là gì, chúng thường được chia thành hai loại: đạn đạo và hành trình.

Thậm chí nếu chia nhỏ hơn dựa trên các đặc điểm, ta sẽ có tên lửa ở chế độ phóng bao gồm không đối không, đất đối không và biển đối đất; tên lửa tầm ngắn, tầm trung, xuyên lục địa; tên lửa đẩy bao gồm tên lửa rắn, lỏng và động cơ phản lực; và tên lửa có tải trọng, bao gồm tên lửa thông thường, tên lửa hóa học và hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo được trang bị động cơ tên lửa và được phóng lên bầu khí quyển trước khi lao xuống mục tiêu.

Chúng chỉ được dẫn đường trong giai đoạn phóng đầu tiên, vì vậy chúng có thể kém chính xác hơn tên lửa hành trình, nhưng có lợi thế tốc độ cực cao - tới hơn 3.200km/h - khi tiếp cận mục tiêu.

Điều quan trọng, tên lửa đạn đạo cũng có tầm bắn rất xa, từ khoảng 1.000 đến hơn 5.000km.

Nga có một số vũ khí cực mạnh, bao gồm Iskander và Kinzhal. Do tốc độ cao nên chỉ có một vài hệ thống phòng không nhất định có khả năng bắn hạ chúng, chẳng hạn như Patriot do Mỹ sản xuất.

Ukraine hiện có tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp, nhưng bị cấm sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Để so sánh, tên lửa hành trình dùng động cơ phản lực bay ở độ cao thấp, được dẫn đường trong suốt chuyến bay và có thể nhắm mục tiêu chính xác. Chúng có thể thay đổi hướng trong khi bay, cơ động và bám sát mặt đất nên rất khó bị phát hiện.

Khả năng bay bám địa hình ở độ cao thấp này đã được minh họa rõ ràng vào tháng trước khi ngư dân ở Biển Caspi ghi lại được thứ dường như là hai tên lửa hành trình Kalibr của Nga đang hướng về Ukraine.

Tên lửa hành trình Nga bay sát mặt nước trên Biển Đen (Nguồn: Telegram).

Chúng có thể được phóng từ máy bay, tàu biển hoặc bệ phóng trên mặt đất và sử dụng các hệ thống dẫn đường như GPS hoặc bản đồ mặt đất.

Nga hiện đang sử dụng nhiều mẫu, bao gồm Kalibr, Kh-101 và Kh-59, tất cả đều được sử dụng trong cuộc tấn công tên lửa hàng loạt mới nhất của Nga vào Ukraine hồi đầu tuần này.

Ukraine có tên lửa hành trình Neptune của riêng mình cũng như các mẫu do phương Tây cung cấp như Storm Shadow. Kiev hiện cũng bị cấm sử dụng Storm Shadow để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Tại sao Ukraine muốn có tên lửa đạn đạo của riêng mình?

Không có gì bí mật khi Ukraine muốn tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, đặc biệt là các căn cứ không quân, nơi các máy bay ném bom cất cánh và phóng tên lửa vào các thành phố trên khắp Ukraine.

Ukraine đã tìm cách tấn công sâu và xa vào Nga bằng UAV, phát động cuộc tấn công trên diện rộng nhất trên lãnh thổ Nga vào ngày 1/9.

Nhưng như các chuyên gia trước đây đã lưu ý với Kyiv Independent, UAV di chuyển chậm không là gì so với tên lửa tốc độ cao trong việc gây ra thiệt hại cần thiết để làm chậm cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin và lật ngược cục diện cuộc chiến.

Thông báo của ông Zelensky về tên lửa đạn đạo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ukraine công bố những hình ảnh đầu tiên về máy bay không người lái mang tên lửa Palianytsia mới, được thiết kế để tấn công các sân bay quân sự của Nga và "tiêu diệt tiềm năng tấn công của đối phương".

Việc sử dụng thành công Palianytsia lần đầu tiên đã được ông Zelensky xác nhận trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập 24/8 và một video mới được đăng trên mạng xã hội của ông vào ngày 25/8 đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án.

Đoạn video bắt đầu bằng việc nhấn mạnh rằng Nga đã phóng "43.000 tên lửa và bom lượn vào Ukraine" trong cuộc xung đột toàn diện, từ các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

"Một trong những cách hiệu quả nhất là tấn công vào các máy bay Nga tại các sân bay quân sự", đoạn video cho biết thêm.

Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo thậm chí còn hữu ích hơn vì chúng có tầm bắn xa hơn và có khả năng mang đầu đạn mạnh hơn, hoàn hảo để phá hủy máy bay đối phương tại các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Vì thực tế không có dữ liệu gì về tên lửa đạn đạo mới của Ukraine nên tất cả những gì công chúng được biết là thông tin mà ông Zelensky đã tiết lộ trong cuộc họp báo ngày 27/8.

Nhà lãnh đạo Zelensky nói: "Ukraine có những bước phát triển nào? Tôi nghĩ còn quá sớm để nói về điều đó, nhưng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ukraine đã được thử nghiệm thành công... Tôi xin chúc mừng ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta về điều này".

Có một thông tin công khai là Ukraine đã phát triển tên lửa đạn đạo Hrim-2 trong nhiều năm nay. Mặc dù chưa có gì được xác nhận nhưng có suy đoán rằng đây là vụ thử tên lửa đạn đạo mà ông Zelensky đang đề cập đến.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine