1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine từ chối ngừng bắn với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine không chấp nhận ngừng bắn với Nga và tin rằng cuộc xung đột hiện nay có thể được giải quyết thông qua các hội nghị hòa bình do Kiev khởi xướng.

Ukraine từ chối ngừng bắn với Nga - 1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 6 (Ảnh: AFP).

"Ông ấy (Thủ tướng Hungary Viktor Orban) đã bộc lộ suy nghĩ. Đây không phải là quốc gia đầu tiên nói về những kịch bản tiềm tàng như vậy. Tổng thống của chúng tôi đã lắng nghe quan điểm của ông ấy và chia sẻ quan điểm của mình. Quan điểm của Ukraine khá rõ ràng và được nhiều người biết đến. Không thể xem xét các vấn đề như ngừng bắn một cách riêng rẽ", Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva ngày 2/7 nêu rõ.

Theo ông Zhovkva, quan điểm của Ukraine là việc giải quyết xung đột có thể đạt được thông qua các hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Kiev khởi xướng và dựa trên nền tảng "công thức hòa bình" 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra.

Thủ tướng Hungary Orban hôm qua bất ngờ thăm Kiev. Đây là chuyến thăm Ukraine đầu tiên của ông kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Nhân dịp này, ông hối thúc Tổng thống Zelensky cân nhắc một lệnh ngừng bắn nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột với Nga.

"Tôi đã đề nghị Tổng thống Ukraine cân nhắc xem liệu chúng ta có thể đảo ngược trật tự và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc thực hiện lệnh ngừng bắn trước hay không. Một lệnh ngừng bắn có thời hạn sẽ tạo cơ hội đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình", ông Orban nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Zelensky thậm chí không đề cập đến sáng kiến này trong cuộc họp báo sau hội đàm.

Ông Zelensky tháng trước tuyên bố Ukraine "không muốn kéo dài xung đột" và sẽ "đưa một kế hoạch giải quyết lên bàn đàm phán trong vòng vài tháng tới".

Ông cũng nêu rõ, Ukraine không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, nhưng chúng chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian như trường hợp đạt được thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022.

Ông đề xuất, có thể mời các nước khác làm trung gian. "Không chỉ châu Âu và Mỹ, mà các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng nên tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu để Moscow và Kiev cùng xem xét", ông nói.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh thêm: "Cho đến nay, chỉ có mô hình này. Nhưng thỏa thuận cuối cùng phải phù hợp với Kiev và dựa trên các điều khoản của Kiev".

Ông cho biết, các thỏa thuận về "toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và tự do hàng hải" cũng có thể được ký kết giữa Nga và Ukraine theo cùng thể thức.

Trong khi đó, Nga coi "công thức hòa bình" mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra không phải khởi đầu cho bất cứ cuộc hòa đàm nào và Moscow thậm chí không hề thảo luận về công thức đó. Moscow tuyên bố, bất cứ kế hoạch đàm phán hòa bình nào đều phải dựa trên tình hình thực tế về lãnh thổ, xem xét đến các lợi ích an ninh của Nga.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine