1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nêu rõ đề xuất hòa bình, hối thúc Ukraine đàm phán chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cảnh báo đề xuất hòa bình của Tổng thống Vladimir Putin dành cho Ukraine có tính nhạy cảm về thời gian và các điều kiện đàm phán có thể tồi tệ hơn đối với Ukraine trong thời gian tới.

Nga nêu rõ đề xuất hòa bình, hối thúc Ukraine đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất đàm phán hòa bình với Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Một đề xuất quan trọng nhất đã được nguyên thủ quốc gia của chúng tôi đưa ra. Tôi đã bình luận về đề xuất này, nhưng tôi sẽ nhắc lại một lần nữa, bởi vì nó có tầm quan trọng rất lớn… Như đã nói, đề xuất này tất nhiên có tính nhạy cảm về mặt thời gian", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev phát biểu tại Diễn đàn pháp lý quốc tế St. Petersburg hôm 27/6.

"Vì vậy, nếu hoàn cảnh thay đổi, thỏa thuận có thể được ký kết với các điều kiện khác nhau… Trong những điều kiện như vậy, các cuộc đàm phán vẫn có thể tiếp tục, nhưng nếu chúng không diễn ra, và điều này cũng đã được nêu rõ ràng, thì các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra với điều kiện tồi tệ hơn, mặc dù sớm hay muộn các cuộc đàm phán này sẽ được tổ chức", ông Medvedev nói thêm.

Ông Medvedev cho biết đề xuất đàm phán hòa bình của Tổng thống Putin được đưa ra dựa trên hai quan điểm.

"Có những thay đổi trên thực tế và có những thay đổi trong Hiến pháp Liên bang Nga. Điều này phải được tính đến. Và tất nhiên, những gì Tổng thống đã nói, đó là Ukraine nên tuyên bố trung lập và không gia nhập liên minh quân sự không thân thiện", cựu tổng thống Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi quân sự hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine, thậm chí ngay ngày mai, nhưng các bên cần nghiên cứu đề xuất hòa bình của Moscow.

Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định, Nga chưa bao giờ bác bỏ ý tưởng đàm phán. "Như tôi đã nói, chúng tôi không phải bên từ chối đàm phán. Chính Ukraine đã tự cấm mình đàm phán. Không phải chúng tôi", ông cho hay.

Chính quyền Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định Moscow vẫn để ngỏ đàm phán với Ukraine, song Kiev không có thiện chí khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Do vậy, để nối lại hòa đàm, Kiev trước tiên phải hủy bỏ sắc lệnh đó và chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố tiếp tục coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Moscow coi những yêu cầu này là "không thực tế".

Theo Tass