1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine tìm cách "tự lực cánh sinh" về vũ khí

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các lệnh hạn chế của Mỹ và phương Tây áp lên Ukraine về việc dùng vũ khí viện trợ khiến Kiev nỗ lực tự sản xuất vũ khí nhằm đáp trả Nga.

Ukraine tìm cách tự lực cánh sinh về vũ khí  - 1

Tên lửa Neptune được phóng thử năm 2019 (Ảnh: Business Insider).

Mỹ đã trang bị cho Ukraine số lượng lớn tên lửa tầm xa nhưng Washington đặt ra những hạn chế về cách Kiev có thể sử dụng khi ngăn Ukraine tấn công Nga. Để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này, Ukraine đã quyết định cải tiến tên lửa chống hạm Neptune thành phiên bản tấn công mặt đất để họ có thêm phương án vũ khí tập kích Nga.

Tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS do Mỹ sản xuất được xem là một trong những vũ khí hiện đại hàng đầu của Ukraine. Tuy nhiên, các hạn chế của Mỹ khiến Ukraine không thể phát huy hiệu quả của ATACMS.

Theo Business Insider, trong những tuần gần đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa chống hạm Neptune phiên bản hoán cải để làm nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất bên trong Nga.

R-360 Neptune là tên lửa hành trình tầm xa, tốc độ cận âm do Cục thiết kế Luch của Ukraine phát triển. Ukraine trước đó từng tuyên bố dùng Neptune đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga nhưng Moscow không bình luận về thông tin này.

Theo truyền thông phương Tây và Ukraine, Kiev dường như đã dùng Neptune phiên bản tấn công mặt đất nhắm vào hệ thống phòng không Nga ở Crimea, tấn công kho dầu Moscow tại Kavkaz, vùng Krasnodar Krai, cơ sở năng lượng ở gần Chushka.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) cho biết, điểm chung của cuộc tấn công bằng tên lửa Neptune là đều nhằm vào mục tiêu trên ở Nga trong tầm bắn của tên lửa ATACMS.

Vị trí bị tấn công đều nằm trong khoảng cách tiền tuyến 240km và tầm bắn 300km của ATACMS. Vì Mỹ cấm Ukraine dùng ATACMS tấn công Nga nên Kiev dường như phải cải tiến Neptune để có thể gây thiệt hại cho đối phương.

"Ukraine lần đầu tiên ra mắt tên lửa chống hạm Neptune nhằm vào các mục tiêu hải quân của Nga vào tháng 4/2022 và đã phải phát triển và sửa đổi thêm những tên lửa này để tiến hành các cuộc tấn công trên bộ vào Nga", ISW nhận định.

Tên lửa Neptune đã được hoán cải là một trong số những cải tiến của Ukraine trong cuộc chiến mà họ bị Nga áp đảo về tiềm lực quân sự. Ví dụ, Kiev đã sử dụng xuồng không người lái tự sát để bù đắp cho việc hải quân nước này thua kém Nga. Ukraine cũng tăng cường sản xuất máy bay không người lái tầm xa tấn công các mục tiêu quân sự và năng lượng sâu bên trong nước Nga, nơi lệnh cấm sử dụng một số vũ khí phương Tây vẫn bị áp dụng.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm