1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine sẽ nhận được gì từ gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ?

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine gần như chắc chắn nhận được gói viện trợ gần 61 tỷ USD từ Mỹ sau khi dự luật được Hạ viện phê chuẩn.

Ukraine sẽ nhận được gì từ gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ? - 1

Gói viện trợ mới của Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine khắc phục tình trạng cạn kiệt đạn dược vũ khí hiện nay (Ảnh minh họa: AFP).

Hạ viện Mỹ ngày 20/4 đã thông qua viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tháng bế tắc. Thượng viện Mỹ tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu thông qua dự luật vào đầu tuần tới để trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Vì vấp phải sự phản đối của một số thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện nên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không gửi viện trợ nào cho Kiev kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong 4 tháng qua, Nga đã tranh thủ tấn công vào thời điểm nguồn đạn dược và trang thiết bị của Ukraine dần cạn kiệt.

Gói viện trợ mới, sau khi thông qua, được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường đáng kể nguồn lực quân sự của Ukraine.

Dự luật này nêu ra các ưu tiên bao gồm cả việc Washington cung cấp tên lửa đạn đạo và hỗ trợ chiến lược dài hạn cho Kiev.

Theo đó, hơn 1/3 gói viện trợ, tương đương 23,2 tỷ USD, dùng để bổ sung vũ khí, hạ tầng, kho bãi; gần 14 tỷ USD cho hoạt động đào tạo, đáp ứng các nhu cầu của quân đội Ukraine, một điểm gần giống với dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 2 với 95 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh khác.

Kiev cũng sẽ nhận được khoảng 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, hơn 11 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Tổng thống Joe Biden cam kết không triển khai quân ở Ukraine, song Mỹ vẫn đang huấn luyện quân đội Ukraine ở những nơi khác và duy trì sự hiện diện trên khắp châu Âu.

Đạo luật quy định rằng trong vòng 45 ngày kể từ ngày ban hành, các cơ quan liên bang phải đưa ra chiến lược kéo dài trong nhiều năm để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Điều này đồng nghĩa họ phải thiết lập các mục tiêu cụ thể, dễ dàng đạt được cũng như xác định và ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Đạo luật này cũng bao gồm việc chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), hệ thống tầm xa được Ukraine sử dụng lần đầu tiên để chống lại Nga vào tháng 10/2023. Kiev từ lâu đã kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa của họ trong cuộc chiến hiện tại.

Bình luận sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Cảm ơn nước Mỹ. Chúng tôi trân trọng tất cả những sự ủng hộ cho Ukraine. Chúng tôi sẽ sử dụng sự hỗ trợ của Mỹ để củng cố sức mạnh hơn nữa và chấm dứt cuộc chiến này không theo cách của Nga".

Trong khi đó, giới chức Nga cảnh báo, gói viện trợ của Mỹ sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài, khoét sâu thêm các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

"Đợt viện trợ quân sự này của Mỹ không thể cứu nổi Ukraine. Hơn nữa, quyết định của Washington sẽ chỉ kéo dài chiến sự và làm tăng thêm số nạn nhân của cuộc xung đột", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine