Ukraine sắp sở hữu vũ khí tầm xa có thể buộc Nga thay đổi chiến lược?
(Dân trí) - Mỹ được cho là sắp viện trợ bom tầm xa cho Ukraine và nếu được bàn giao tới kịp, vũ khí này có thể sẽ giúp thay đổi đáng kể tình thế của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Vũ khí tầm xa hơn
Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay, trong tuần này, Mỹ dự kiến công bố gói viện trợ mới trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine. Gói viện trợ được cho là sẽ lần đầu tiên bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), có tầm bắn 150km.
GLSDB có thể giúp quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi khả năng tiếp cận của các tên lửa phóng từ tổ hợp pháo cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp. Nó sẽ cho phép Kiev tập kích vào tuyến tiếp tế của Nga ở phía đông, cũng như một phần bán đảo Crimea.
Khi đó, Nga sẽ phải di chuyển nguồn tiếp tế ra xa tiền tuyến hơn, khiến binh sĩ của họ dễ tổn thất hơn và khiến bất kỳ kế hoạch nào cho một cuộc tấn công mới cũng trở nên khó khăn hơn.
Điều này có thể làm chậm lại đáng kể kế hoạch về một cuộc tấn công lớn của Nga, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhận định. "Giống HIMARS đã ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến xung đột, GLSDB có khả năng tác động nhiều hơn nữa đến cục diện chiến sự".
GLSDB là loại bom lượn dẫn đường bằng GPS có thể cơ động để tấn công các mục tiêu khó tiếp cận như trung tâm chỉ huy. Được sản xuất bởi SAAB AB và Boeing Co, nó là sự kết hợp của bom đường kính nhỏ GBU-39 với động cơ tên lửa M26, cả hai đều phổ biến trong kho vũ khí của Mỹ.
GLSDB hiện chưa tương thích với HIMARS, nhưng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các bệ phóng mới sử dụng cho loại bom này, các nguồn tin cho biết. GLSDB có thể được giao sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, Reuters cho hay.
Nga sẽ phải thay đổi chiến lược?
Giới chuyên gia quân sự cho rằng, một khi Ukraine có loại bom mới, Moscow sẽ phải đẩy nguồn tiếp tế của mình đi xa hơn nữa.
Chuyên gia phân tích quân sự Ukraine Oleksandr Musiyenko nói: "Chúng tôi hiện không thể tiếp cận các cơ sở quân sự của Nga cách xa hơn 80km. Nếu chúng tôi có khả năng tiếp cận tới tận biên giới Nga, hoặc tới Crimea, thì điều này tất nhiên sẽ làm giảm năng lực tấn công của Nga".
Điều quan trọng là Ukraine có thể sớm tiếp cận mọi điểm trên tuyến đường bộ dẫn tới Crimea bị Nga kiểm soát qua Berdiansk và Melitopol. Khi đó, Moscow phải chuyển hướng các xe tải tiếp tế của mình tới cầu Crimea, vốn đã bị hư hại nặng nề trong một cuộc tấn công hồi tháng 10/2022.
Ông Musiyenko nói: "Nga đang sử dụng Crimea như một căn cứ lớn để gửi quân tiếp viện cho các đơn vị ở mặt trận phía nam Ukraine. Nếu chúng tôi có vũ khí tầm xa tới 150km, chúng tôi sẽ phá vỡ kết nối hậu cần của Nga với Crimea".
Ngoài tác động về mặt hậu cần, việc bổ sung vũ khí tầm xa hơn vào kho vũ khí của Ukraine được dự đoán có khả năng làm lung lay niềm tin của Nga.
Sau GLSDB sẽ đến ATACMS?
Đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, quyết định gửi GLSDB là một bước tiến trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu của Ukraine mặc dù Kiev từ lâu đề nghị Washington cấp tên lửa chiến thuật ATACMS có tầm bắn 297km. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối cung cấp ATACMS vì lo ngại cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ leo thang hơn nữa.
GLSDB tuy không mạnh bằng, nhưng rẻ hơn, nhỏ và dễ triển khai hơn nhiều so với ATACMS. Vì vậy, chúng rất phù hợp với phần lớn những gì Ukraine kỳ vọng, đó là làm gián đoạn các hoạt động của Nga và tạo ra lợi thế chiến thuật.
Tuy nhiên, Tom Karako, chuyên gia về vũ khí và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, không loại trừ khả năng Ukraine sẽ được nhận một vũ khí tầm xa hơn nữa trong tương lai.
"Hết lần này đến lần khác, chúng tôi thấy chính quyền Mỹ nói rằng họ sẽ chỉ viện trợ tới một giới hạn nhất định, không vượt quá. Sau đó, khi tình hình xấu đi, họ lại nhận thấy cần phải đi xa hơn".
Đó là những gì xảy ra trong trường hợp của HIMARS hay hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Cũng trong tháng 1, Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ xe tăng Abrams. Tất cả ban đầu đều nằm ngoài giới hạn viện trợ cho Ukraine.
Hiện tại, điều quan tâm nhất là tốc độ bàn giao GLSDB cho Ukraine. "Nếu họ tăng tốc viện trợ, điều này có thể thay đổi rất nhiều tình hình trên chiến trường", ông Zagorodnyuk nói.
Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine
Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.
Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.
Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.
Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.
Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.
Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.
Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.
Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.
Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.
Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.