1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nêu tổn thất sau 2 năm xung đột, vạch điều kiện đàm phán với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, khoảng 31.000 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng trong 2 năm xung đột với Nga.

Ukraine nêu tổn thất sau 2 năm xung đột, vạch điều kiện đàm phán với Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

31.000 binh sĩ thiệt mạng

"31.000 binh sĩ Ukraine đã ngã xuống trong cuộc chiến này. Không phải 300.000 hay 150.000 binh sĩ như Nga tuyên bố. Tuy nhiên, đó cũng là một tổn thất lớn đối với chúng ta", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại một cuộc họp báo ngày 25/2.

Ông không công bố số binh sĩ bị thương vì điều đó có thể tạo manh mối cho Nga lập kế hoạch quân sự.

Ukraine đã không công bố số liệu tổn thất của quân đội kể từ cuối năm 2022. Thời điểm đó, cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, nói rằng khoảng 13.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào tháng 2/2022.

Hồi tháng 8 năm ngoái, New York Times dẫn thông tin từ giới chức Mỹ ước tính, 70.000 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng và 100.000-120.000 binh sĩ bị thương. Trong khi đó, thông tin tình báo Mỹ bị rò rỉ vào tháng 12/2023 cho rằng, khoảng 315.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương.

Xung đột cũng khiến nhiều thành phố, làng mạc của Ukraine bị phá hủy. Theo ước tính của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu (EU), Ukraine cần tới 500 tỷ USD để tái thiết.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba nhưng chưa có dấu hiệu lắng xuống. Mặc dù thừa nhận khó khăn, nhưng ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.

"Chúng ta đã chiến đấu suốt 730 ngày. Chúng ta sẽ giành chiến thắng vào ngày vĩ đại nhất cuộc đời mình. Ai cũng muốn chấm dứt xung đột, nhưng Ukraine không được phép dừng lại", ông nói và nhấn mạnh xung đột phải chấm dứt theo các điều kiện của Ukraine.

Trước đó, ông Zelensky nói rằng Ukraine không chỉ dự định tiếp tục phòng thủ vào năm 2024 mà còn chuẩn bị cho cuộc phản công mới. "Phía nam rất quan trọng. Bảo vệ phía đông, nơi đối phương có hơn 200.000 binh sĩ, cũng rất quan trọng. Tất nhiên, chúng ta sẽ chuẩn bị cuộc phản công mới, một chiến dịch mới", ông nói.

Ông cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây đẩy mạnh viện trợ cho Ukraine. Ông cho hay, Ukraine đang cần các hệ thống Patriot của Mỹ để bảo vệ bầu trời, cũng như tên lửa tầm xa có tầm bắn 300km.

Ông nhấn mạnh, Ukraine sẽ có thể tiến hành một cuộc tấn công khi số lượng vũ khí nước này có ngang bằng của Nga. Ông cho biết, hiện tại, hỏa lực của Nga nhiều gấp 7 lần của Ukraine, tuy có giảm so với con số 12 lần năm ngoái nhưng chênh lệch vẫn lớn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cho biết: "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể và không thể để đạt được bước đột phá. Đã có kế hoạch cho năm 2024; tuy nhiên, chúng tôi không thảo luận nó một cách công khai. Đó là một kế hoạch mạnh mẽ, không chỉ mang lại hy vọng mà còn mang lại kết quả vào năm 2024".

Đàm phán theo điều kiện của Ukraine

Ukraine nêu tổn thất sau 2 năm xung đột, vạch điều kiện đàm phán với Nga - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo, một phóng viên đã hỏi ông Zelensky rằng liệu Ukraine có thua trong cuộc chiến này hay không và liệu giờ có phải là lúc đối thoại với Nga hay không khi Kiev hiện không có đủ vũ khí.

Nhà lãnh đạo Ukraine đáp: "Chúng tôi sẽ cho họ cơ hội để thừa nhận thất bại, thừa nhận sai lầm".

Khi được hỏi liệu ông có nhấc máy hay không nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho ông, Tổng thống Zelensky cho biết: "Ông ấy sẽ không gọi. Ông ấy không muốn chấm dứt cuộc chiến này. Cho đến hiện tại, đó là thực tế".

Ông nói tiếp: "Liệu Ukraine có thua trong cuộc chiến này? Tôi tin chắc rằng điều đó sẽ không xảy ra. Ngày 24/2/2022 là ngày khó khăn nhất. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài chiến thắng bởi nếu thua, chúng tôi sẽ không còn tồn tại".

Tổng thống Zelensky cũng cảnh báo các nước khác không nên áp đặt cơ chế đàm phán cho Ukraine.

"Chúng tôi không muốn bị áp đặt bất cứ hình thức đàm phán nào. Điều quan trọng là sáng kiến đàm phán phải xuất phát từ Ukraine", ông nêu rõ.

Ông cho biết: "Tôi thực sự không muốn thấy rằng, sau khi các cuộc bầu cử ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, một số quốc gia phi dân chủ hoặc rất dân chủ áp đặt các sáng kiến của riêng họ đi ngược lại lợi ích của đất nước đang phải đối phó chiến sự".

Trong một diễn biến liên quan, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Thụy Sĩ dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về tầm nhìn hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông nói, Ukraine và các đối tác nước ngoài có thể mời Nga tham dự hội nghị hòa bình trong tương lai để thảo luận về việc chấm dứt xung đột.

"Chúng ta có thể mời đại diện của Liên bang Nga vào thời điểm mà giới lãnh đạo nước này thực sự muốn chấm dứt cuộc chiến và thiết lập lại hòa bình", ông cho hay.

Tuy nhiên, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cuối tuần qua nhận định, Nga nhiều khả năng sẽ không tham gia vòng đầu của hội nghị hòa bình.

Về phía Nga, giới chức nước này nhiều lần tuyên bố, bất cứ cuộc đàm phán, hội nghị hòa bình nào về Ukraine mà không có sự tham gia của Moscow đều vô nghĩa.

Theo Reuters, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine