Ukraine nêu lý do Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã đưa ra đánh giá về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Kiev trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp tục leo thang.
"Vẫn luôn có rủi ro (về vũ khí hạt nhân), nhưng tôi luôn tự hỏi rằng: nếu họ (Nga) muốn sử dụng vũ khí hạt nhân, thì mục đích của họ là gì? Dường như họ muốn chúng tôi phải khuất phục và ngăn phương Tây giúp đỡ chúng tôi. Tuy nhiên, mỗi khi Nga làm điều gì đó nghiêm trọng - như ở Bucha, Irpin, Mariupol - phương Tây bắt đầu hỗ trợ nhiều hơn cho chúng tôi, bởi vì các đối tác hiểu rằng Nga phải bị ngăn chặn", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev hôm 5/2.
Theo ông Reznikov, nếu Nga không bị ngăn chặn ở Ukraine, "họ sẽ tiến xa hơn và họ sẽ phải bị chặn lại ở châu Âu". Ông nhận định, châu Âu hiểu rằng "Nga phải bị chặn đứng trên chiến trường Ukraine và Ukraine phải giành chiến thắng".
"Nếu Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở tiền tuyến, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chính quân đội của họ. Nếu họ làm như vậy (sử dụng vũ khí hạt nhân) ở các vùng lãnh thổ mà họ đang tạm thời kiểm soát, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chính những người dân mà người Nga đang tuyên bố bảo vệ", ông Reznikov cho biết.
"Họ có thể làm điều đó bên trong lãnh thổ Ukraine để chứng minh họ rất quyết tâm sao? Cũng có thể như vậy. Nhưng điều đó sẽ mang lại cho họ điều gì? Đó sẽ là bằng chứng lớn nhất để kết tội họ, vì Ukraine không phải là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, do vậy, chúng tôi không đặt ra bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào", ông Reznikov nói thêm.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Điện Kremlin cũng nhận được tín hiệu không sử dụng vũ khí hạt nhân từ các nước được xem là đồng minh của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ.
"Đó là lý do tôi vẫn là một người lạc quan và nghĩ rằng điều đó sẽ không xảy ra", ông Reznikov kết luận.
Bình luận của ông Reznikov được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 4/2 cảnh báo hậu quả việc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tiếp tục cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine. Cựu Tổng thống Nga nói rằng Moscow không giới hạn phương thức đáp trả, tùy vào bản chất của mối đe dọa mà Nga có thể sử dụng mọi vũ khí "theo học thuyết quân sự, trong đó có các nguyên tắc cơ bản về răn đe hạt nhân".
Nga từng tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của nước này và các vùng lãnh thổ sáp nhập bằng mọi biện pháp có thể, kể cả vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết hạt nhân, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và đồng minh, hoặc khi sự tồn tại của Nga bị đe dọa.
Cảnh báo của ông Medvedev được đưa ra trong bối cảnh có đồn đoán cho rằng, Mỹ có thể cung cấp các vũ khí tầm xa cho phép Ukraine tấn công Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014, hoặc các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên chiến trường Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục đối mặt với tổn thất quân sự sau các cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine.