Ukraine nêu lý do không thể đàm phán chấm dứt xung đột với Nga
(Dân trí) - Ukraine cho rằng việc đàm phán với Tổng thống Nga là vô nghĩa vì Moscow liên tục phớt lờ các yêu cầu của Kiev.
"Chúng tôi đã biết rất lâu trước khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ (Tổng thống Nga Vladimir Putin) rằng, việc đàm phán với ông Putin là vô nghĩa. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã thông qua một nghị quyết pháp lý vào ngày 30/9 năm ngoái, tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin đều bất khả thi do Nga tìm cách sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ của Ukraine (Nga đã tổ chức trưng cầu dân ý từ ngày 23-27/9/2022 tại 4 tỉnh của Ukraine)", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong cuộc phỏng vấn với Politico hôm 22/3.
Ông Kuleba cho biết Ukraine không bác bỏ hoàn toàn ý tưởng đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông phản đối bất kỳ ý tưởng nào cho rằng việc đàm phán với Tổng thống Putin có thể đảm bảo hòa bình.
"Ukraine đã có nhiều nỗ lực để đạt được một giải pháp hòa bình. Ukraine đã tổ chức 88 vòng đàm phán với vai trò trung gian của Pháp và Đức kể từ khi ông (Volodymyr) Zelensky được bầu làm tổng thống Ukraine vào năm 2019 cho đến ngày 24/2/2022 (khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine). Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ tất cả những nỗ lực này, thay vào đó chọn một cuộc chiến khốc liệt", nhà ngoại giao Ukraine nói thêm.
Theo Ngoại trưởng Kuleba, Ukraine đã cố gắng tìm tiếng nói chung với Nga ngay cả sau ngày 24/2 nhưng không thành công. "Thay vào đó, Nga đã leo thang các cuộc tấn công khốc liệt và công bố kế hoạch sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Zelensky đã nói rõ rằng nếu ông Putin tiếp tục nỗ lực sáp nhập này, Ukraine sẽ không thể đàm phán với ông ấy. Ông Putin đã phớt lờ mọi thứ, tất cả những gì ông ấy muốn làm là xung đột", Ngoại trưởng Ukraine cho biết thêm.
Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh Ukraine có lộ trình hòa bình của riêng nước này, được nêu trong công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Zelensky công bố.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tập trung vào việc thực hiện công thức này như một con đường thực tế dẫn đến hòa bình, hơn là mơ tưởng về việc kết thúc chiến tranh bằng cách yêu cầu Nga làm như vậy", ông Kuleba nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã nêu công thức hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, Tổng thống Ukraine đã đưa ra những đề xuất phi thực tế và vô lý về việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột. Theo ôngLavrov, Nga sẵn sàng xem xét các đề xuất nghiêm túc từ phương Tây về các cuộc đàm phán liên quan tới Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đề xuất nào.