1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nêu con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã kêu gọi các đối tác tiếp tục viện trợ quân sự, đồng thời tuyên bố "chưa nước nào hành động đủ" để giúp đỡ Kiev.

Ukraine nêu con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba (Ảnh: Getty).

"Ukraine cảm kích các đối tác vì viện trợ quân sự của họ, nhưng chúng ta nên trung thực với nhau: Vẫn chưa có nước nào hành động đủ nếu Nga vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ Ukraine", Ngoại trưởng Dmitry Kuleba ông viết trên Twitter hôm 10/1.

"Trang bị vũ khí cho Ukraine để giành chiến thắng là con đường ngắn nhất để khôi phục hòa bình và an ninh ở châu Âu và hơn thế nữa", ông Kuleba cho biết thêm.

Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy đã chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine khi kêu gọi phương Tây viện trợ quân sự, đồng thời cho rằng Kiev đang có nhiều mục tiêu khác nhau.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 12 năm ngoái cũng nói rằng, hỗ trợ quân sự cho Ukraine là "con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình".

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất.

"Chúng tôi biết rằng châu Âu, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đã bơm hàng chục tỷ USD vào Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 10/1.

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi Pháp thông báo sẽ chuyển các xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine.

"Việc chuyển giao (các khí tài này) có thể gây thêm đau đớn cho người dân Ukraine, kéo dài sự thống khổ của họ. Nhưng về cơ bản, những khí tài đó không thể thay đổi bất cứ điều gì (ở Ukraine)", ông Peskov nói.

Theo ông Peskov, những nguồn cung vũ khí từ phương Tây "không có khả năng làm gián đoạn việc Nga đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt".

Tuần trước, trong thông cáo chung của Nhà Trắng và Văn phòng thủ tướng Đức, Mỹ và Đức đồng ý cung cấp các xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine. Mỹ dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine các xe chiến đấu bộ binh Bradley, trong khi Đức dự định chuyển cho Ukraine xe chiến đấu Marder. Washington và Berlin sẽ giúp huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành Marder và Bradley, nhưng hiện chưa rõ Kiev sẽ được bàn giao bao nhiêu xe và vào thời điểm nào.

Ngoài các xe chiến đấu này, Đức sẽ gửi cho Ukraine một hệ thống phòng không Patriot. Tháng trước, Mỹ cũng thông báo hỗ trợ một hệ thống này.

Ukraine nhiều lần cho biết, nước này cần 600-700 xe chiến đấu bộ binh và 300 xe tăng từ phương Tây để giúp xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn từ chối cấp xe tăng theo chuẩn NATO do lo ngại Nga sẽ coi đây là động thái leo thang căng thẳng, đối đầu trực tiếp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, không có lý do gì để các đối tác phương Tây phải e ngại cung cấp xe tăng cho Kiev ở thời điểm hiện tại. "Chúng tôi sẽ nhận được nhiều xe bọc thép hơn, bao gồm cả xe tăng bánh lốp do Pháp sản xuất. Điều này gửi một tín hiệu rõ ràng tới tất cả các đối tác của chúng tôi rằng: Không có lý do hợp lý nào để giải thích tại sao xe tăng phương Tây vẫn chưa được cung cấp cho Ukraine", ông Zelensky nói.

Mặc dù vậy, việc Đức, Mỹ đồng ý chuyển xe chiến đấu bộ binh và Pháp cam kết viện trợ xe tăng bánh lốp hạng nhẹ cho Ukraine là một bước ngoặt đáng kể trong chính sách của các nước phương Tây.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine